Giải pháp phát triển thử nghiệm lâm sàng

NDO - Việt Nam có dân số lớn và hệ thống y tế phát triển nhưng gặp nhiều rào cản như quy trình phê duyệt kéo dài, cơ sở hạ tầng hạn chế và thiếu nhân lực. Thực trạng này đặt ra nhu cầu xây dựng lộ trình chiến lược để phát triển thử nghiệm lâm sàng, nâng cao năng lực nghiên cứu và thu hút đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CRU) Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ung thư là gánh nặng hàng đầu tại Việt Nam cũng như toàn cầu". (Ảnh CHI MAI)
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CRU) Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ung thư là gánh nặng hàng đầu tại Việt Nam cũng như toàn cầu". (Ảnh CHI MAI)

Đó là phát biểu Bác sĩ chuyên khoa II Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CRU) Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tại Tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua thử nghiệm lâm sàng” tổ chức ngày 20/5 do Tiểu ban Dược phẩm (Pharma Group), chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuế và tư vấn KPMG phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tổ chức.

Chuyển đổi hệ thống y tế thông qua nghiên cứu lâm sàng

Bác sĩ Phan Tấn Thuận chia sẻ: “Ung thư là gánh nặng hàng đầu tại Việt Nam cũng như toàn cầu. Trong hơn 20 năm qua, lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư phát triển vượt bậc với các thuốc miễn dịch và liệu pháp thế hệ mới. Tại bệnh viện, số nghiên cứu lâm sàng đã tăng từ vài ca lên hơn 30 thử nghiệm đồng thời, mở rộng cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đối mặt nhiều thách thức về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chuyên môn. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn hóa quy trình, nâng cao năng lực và xây dựng mạng lưới nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao”.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến triển mạnh mẽ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân và củng cố hệ thống y tế công. Hiện nay, đất nước cung cấp bảo hiểm y tế cho 95% dân số, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Thành tựu này phản ánh kết quả từ các khoản đầu tư bền vững vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp dịch vụ y tế công và cơ sở hạ tầng.

Thách thức tiếp theo liên quan đến giai đoạn chuyển đổi từ mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người dân sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, thử nghiệm lâm sàng không chỉ đóng vai trò là công cụ để xác nhận các giải pháp mới mà còn là nền tảng để xây dựng năng lực lâu dài trong nghiên cứu, giáo dục và phát triển hệ thống y tế. Khi ngày càng nhiều quốc gia cạnh tranh để giành được một phần đầu tư nghiên cứu toàn cầu, Việt Nam có cơ hội rõ ràng để định vị mình là quốc gia dẫn đầu khu vực về các thử nghiệm lâm sàng.

Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghiên cứu lâm sàng. Cơ cấu dân số đa dạng ở Việt Nam rất phù hợp để nghiên cứu các bệnh lý phức tạp như ung thư, rối loạn tim mạch, bệnh truyền nhiễm và tình trạng bệnh chuyển hóa. Những lợi thế nội tại này càng được củng cố bằng các sáng kiến của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giúp thu hút các công ty dược phẩm và các tổ chức cung cấp dịch vụ thử nghiệm lâm sàng theo hợp đồng (CRO) trên toàn cầu.

Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group cho biết: “từ góc nhìn của ngành dược phẩm đổi mới sáng tạo, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để trở thành điểm đến nghiên cứu lâm sàng cạnh tranh trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cần có các chính sách và sáng kiến ưu tiên nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào thử nghiệm lâm sàng-đặc biệt là các thử nghiệm giai đoạn đầu.

Những nỗ lực chuyên biệt cùng sự hợp tác đa bên sẽ mở ra nhiều lợi ích về kinh tế, khoa học và y tế, bao gồm: thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu giá trị cao thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm có chuyên môn, củng cố hệ sinh thái đổi mới y tế của Việt Nam, đồng thời tạo ra tác động kinh tế lan tỏa giữa các lĩnh vực và mang lại lợi ích hệ thống cho y tế cộng đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với các chiến lược quốc gia và mục tiêu của Việt Nam trở thành một trong ba điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư giá trị cao”.

Khai thác tiềm năng của hoạt động thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam

Bên cạnh cơ hội, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản đáng kể như khâu quản lý còn kém hiệu quả, quy trình phê duyệt chậm và rời rạc, làm chậm quá trình thực hiện thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó, ngành vẫn còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng, bao gồm tình trạng thiếu các cơ sở được chứng nhận Thực hành lâm sàng tốt (Good Clinical Practice-GCP), hạn chế năng lực.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân viên được đào tạo bài bản và thiếu chính sách ưu đãi, nguồn tài trợ làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước như Malaysia và Singapore.

Chính vì vậy, muốn trở thành điểm đến thử nghiệm lâm sàng hàng đầu trong khu vực, Việt Nam cần thực hiện biện pháp chính sách và phi chính sách, với khung thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trước mắt, ưu tiên đổi mới quy định, đơn giản hóa cơ chế phê duyệt để khơi thông dòng chảy các thử nghiệm, đồng thời tăng cường ưu đãi đầu tư nhằm thu hút nguồn lực. Song song đó, cần chú trọng cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ chuyên biệt cho các thử nghiệm lâm sàng và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác công tư. Các bên liên quan đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện những giải pháp này. Nhìn ra thế giới, những ví dụ thành công từ các quốc gia khác sẽ là nguồn tham khảo quý giá, soi đường cho Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn của lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng.

Đặc biệt để củng cố các nghiên cứu chuyên sâu, Việt Nam cũng cần mở rộng mạng lưới các cơ sở có chứng nhận thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP); phát triển các đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CTU); thành lập một trung tâm xuất sắc (CoE) quốc gia để đóng vai trò nền tảng kết nối bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, là trung tâm đào tạo cho các nhà nghiên cứu lâm sàng, tăng tốc quá trình phê duyệt thử nghiệm và thúc đẩy hợp tác toàn cầu-từ đó định vị Việt Nam là một điểm đến cạnh tranh trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng.

Theo ước tính của KPMG, nếu triển khai hiệu quả những cải cách này, Việt Nam có thể đạt 86 thử nghiệm với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,3% với giá trị thị trường 749,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng vào năm 2029 có thể đạt mức 88,6%. Điều này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao, nâng cao vị thế trên toàn cầu của Việt Nam trong công tác nghiên cứu y khoa và mang đến cơ hội tiếp cận sớm với các phương pháp điều trị tiên tiến.

Ông Luke Treloar, đối tác, Trưởng bộ phận Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và y tế (IGH), KPMG tại Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng, với khuôn khổ chính sách phù hợp và sự hợp tác liên ngành, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm hàng đầu về thử nghiệm lâm sàng tại khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đổi mới y tế trong khu vực”.