Hiệu quả từ chiếc camera giám sát
Không phải đến bây giờ TP Hà Nội mới triển khai lắp camera giám sát, phạt “nguội” hành vi đổ rác bừa bãi. Trước đó, mô hình này đã triển khai tại một số địa bàn và thu được những kết quả nhất định. Hiệu quả của mô hình lắp camera giám sát theo hình thức xã hội hóa ở tổ dân phố 29, phường Láng Hạ (Đống Đa) là một thí dụ.
Năm 2021, trước tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, bà Nguyễn Thị Vui, Tổ trưởng dân phố 29 đã cùng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố vận động nhân dân xã hội hóa lắp đặt camera giám sát. Thực hiện chủ trương trên, các đảng viên tiên phong đóng góp trước. Thấy vậy, người dân cũng hồ hởi ủng hộ lắp 4 camera xóa điểm chân rác và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Thời gian đầu đưa camera vào hoạt động, một vài hộ vẫn theo thói quen cũ vứt rác ra đầu ngõ. Bà Vui nghe phản ánh, xem camera, in hình ảnh dán ngay lên chỗ người dân hay đến vứt. “Sau vài lần như vậy, hiện tượng vứt rác bừa bãi dần được kiểm soát. Các bãi rác tự phát trong khu vực dân cư bị xóa bỏ hoàn toàn. Toàn bộ hình ảnh từ các camera giám sát được gửi về công an phường. Mấy hôm trước có gia đình để túi rác trước cửa, cán bộ phường gọi điện cho tổ dân phố ra nhắc nhở, họ cũng phải xử lý luôn”, bà Vui tự hào kể.
Đến nay, trên địa bàn tổ dân phố 29 đã vận động lắp đặt được 7 camera giám sát an ninh, kết hợp bảo vệ môi trường. Ngõ 528 đường Láng Hạ từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường giờ đã trở nên sạch đẹp. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Vui, việc lắp camera phạt “nguội” là giải pháp thực tế, xử phạt “đúng người, đúng vi phạm”, có thể xử lý triệt để tình trạng vứt rác sai quy định. Quan trọng hơn là sự sát sao của cán bộ cơ sở và trách nhiệm đồng giám sát của người dân. Ngoài Tổ dân phố 29 phường Láng Hạ, mô hình camera giám sát hành vi đổ rác bừa bãi đã được triển khai tại một số khu vực dân cư trên địa bàn phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Ngọc Lâm (Long Biên). Thông qua công tác xã hội hóa, các tổ dân phố cùng với người dân đã triển khai giám sát chéo, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng vứt rác bừa bãi, chỉnh trang lại mỹ quan đô thị.
Một mô hình, hai kết quả
Cùng triển khai camera giám sát nhưng không phải địa bàn nào cũng đạt được mục tiêu kiểm soát tình trạng xả rác bừa bãi. Thực tế nhiều năm qua, một số phường trên địa bàn TP Hà Nội đã bước đầu triển khai việc lắp đặt camera. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, rác thải vẫn bừa bãi ngay sau những tấm biển thông báo “cấm đổ rác”. Nhiều điểm cắm biển cảnh báo “khu vực cấm đổ rác”, “đổ rác sai quy định bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng”… cho đến nay vẫn bị biến thành địa điểm tập kết rác. Gần đây, dù các biển báo này đều được bổ sung thêm nội dung “khu vực có camera giám sát” nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi hầu như không được cải thiện.
Ghi nhận tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, các bãi rác tự phát vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, người dân vẫn vô tư vứt rác ra đường. Tại điểm giao phố Linh Lang với Phan Kế Bính, ngay trước mặt TAND quận Ba Đình, bãi rác tự phát vẫn ngang nhiên tồn tại dưới chân biển cảnh báo của Ban chỉ đạo 197 phường Cống Vị. Dù tấm biển ghi rõ các nội dung cấm vứt rác, khu vực có camera giám sát, nêu rõ mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Người dân phản ánh, nhiều năm nay, khu vực này đã bị biến thành nơi tập kết rác gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Tại một số tuyến phố Lê Duẩn, Trần Quý Cáp, Nam Đồng…, điểm chung dễ nhận thấy là tình trạng vứt rác thải bừa bãi vào bất cứ giờ nào trong ngày vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại khu vực quanh các chợ cóc, chợ dân sinh. Tại một góc nhỏ trong ngõ 294 Kim Mã, những bịch rác vẫn vô tư được thải ra ngay dưới chân hai biển cấm đổ rác.
Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ra thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông tại cuộc họp nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Một trong những chỉ đạo đáng chú ý là việc yêu cầu 4 quận nội đô nhanh chóng triển khai chương trình lắp đặt camera của thành phố nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu, bao gồm cả việc quản lý công tác vệ sinh môi trường tại địa bàn.
Từ các mô hình camera giám sát đã triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thấy, camera chỉ là phương tiện, nếu không đi kèm với việc xử phạt nghiêm minh sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Cần xây dựng cơ chế, hướng dẫn chi tiết việc quản lý camera giám sát để tránh thí điểm chỉ mang tính phong trào mà hiệu quả thu lại chẳng được là bao!