Nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số trong xây dựng

Chuyển đổi số đang mở ra hướng đi mới cho ngành xây dựng, giúp nâng cao hiệu quả dự án, quản lý thông minh hạ tầng và đáp ứng các chuẩn mực phát triển bền vững. Tuy vậy, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức về thể chế, nhân lực và công nghệ.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã bắt đầu dùng ứng dụng các công nghệ mô hình thông tin công trình trong điều hành. Ảnh: NGUYỆT ANH
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã bắt đầu dùng ứng dụng các công nghệ mô hình thông tin công trình trong điều hành. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tối ưu hiệu quả

Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao về sự minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng các công nghệ như mô hình thông tin công trình (BIM) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) đang trở thành công cụ không thể thiếu.

Dẫn chứng loạt dự án lớn trên thế giới, TS Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và xây dựng số (Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, công nghệ BIM đã giúp tuyến Crossrail (nay là tuyến Elizabeth Line) tại Vương quốc Anh tiết kiệm hàng trăm triệu bảng nhờ quản lý dữ liệu đồng bộ, giảm xung đột thiết kế và tối ưu thi công. Tại Singapore, BIM đã được tích hợp vào hệ thống cấp phép điện tử, giúp rút ngắn tới 50% thời gian thẩm định dự án. Trong giao thông, các dự án metro ở Helsinki (Phần Lan) hay cầu Queensferry Crossing (Scotland) đều sử dụng BIM để kiểm soát tiến độ, chi phí, rủi ro và lên kế hoạch bảo trì dài hạn. Tại Việt Nam, BIM đã bước đầu phát huy hiệu quả tại các công trình sử dụng vốn nhà nước, nhà ở xã hội, hạ tầng đô thị phức tạp...

Chia sẻ về hiệu quả ứng dụng BIM tại các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thông, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật (Phòng Quản lý thực hiện dự án 1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội) cho biết, việc áp dụng tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng đã giúp hình dung rõ hơn công trình trong tương lai. BIM cũng đặt nền móng hình thành “tài sản số” song hành cùng tài sản thực, giúp nâng cao giá trị công trình và hỗ trợ vận hành dài hạn. Với lộ trình bắt buộc BIM trong các dự án đầu tư công từ năm 2024 và chính sách đặc thù cho ngành đường sắt, việc ứng dụng BIM sẽ ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Kiến tạo hệ sinh thái toàn diện

Giống như nhiều quốc gia tiên tiến, Việt Nam có thể hướng tới việc BIM hóa toàn bộ quy trình cấp phép xây dựng, kết nối quy hoạch và liên thông cơ sở dữ liệu quản lý. Tuy nhiên, việc triển khai đang đối mặt nhiều thách thức, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn ở yếu tố con người và tổ chức. Ông Trần Phúc Minh Khôi, Phó Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cho hay: BIM sẽ không phát huy hiệu quả nếu chủ đầu tư vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, ngại thay đổi, thiếu sự phối hợp đa ngành và không có chiến lược dữ liệu rõ ràng. Một thực trạng mà các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt là sự phân mảnh dữ liệu, mà thường các dữ liệu đó không “nói chuyện” được với nhau. Ngay cả mô hình BIM, nếu không được đặt trong bối cảnh địa lý - xã hội - hạ tầng chung quanh thì cũng chỉ là một khối dữ liệu rời rạc, thiếu kết nối.

“Trong tương lai, mô hình BIM sẽ không còn “đứng một mình” mà sẽ được kết nối với GIS để đặt vào không gian thực tế, với IoT (internet vạn vật) để cập nhật dữ liệu vận hành thời gian thực và AI (trí tuệ nhân tạo) để phân tích, dự báo, tối ưu. Khi đó, chúng ta có thể hình dung một mô hình số sống động, nơi mọi dữ liệu của công trình được số hóa và kết nối để ra quyết định nhanh chóng, chính xác”, ông Trần Phúc Minh Khôi nhận định.

Từ thực tế triển khai tại Việt Nam, TS Tạ Ngọc Bình cho rằng, rào cản lớn của quá trình số hóa hiện nay là chi phí phần mềm, hạ tầng, đào tạo và đặc biệt là tư duy lãnh đạo. Theo TS Bình, để phát triển mạnh mẽ BIM trong ngành xây dựng, cần kiến tạo một hệ sinh thái toàn diện, với ba trụ cột. Một là, hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và các hướng dẫn chi tiết để áp dụng BIM trong thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng và các công trình chuyên ngành. Hai là, phát triển nhân lực - nhân tố quyết định trong chuyển đổi số ngành xây dựng. Ba là, làm chủ công nghệ thông qua hợp tác với các tổ chức uy tín trong và ngoài nước nhằm tích hợp sâu BIM với GIS. Viện sẽ xây dựng nền tảng dữ liệu số, phát triển các hướng dẫn ứng dụng BIM phục vụ công tác quy hoạch, thẩm định, cấp phép và quản lý vận hành công trình một cách thông minh, hiệu quả và bền vững.

“Lãnh đạo phải đi đầu trong chuyển đổi. Gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu báo cáo trực quan bằng BIM là một bước tiên phong rất đáng ghi nhận. Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào xem BIM là khoản đầu tư chiến lược thay vì chi phí ngắn hạn, doanh nghiệp đó sẽ nắm bắt được thời cơ”, TS Tạ Ngọc Bình nhấn mạnh.

back to top