Áp lực "treo" viện phí
Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Đại học (ĐH) Y Hà Nội hiện có khoảng 50 bệnh nhân đã ra viện nhưng chưa thanh toán viện phí. Danh sách này cập nhật từ ngày nghỉ lễ 30/4 -1/5 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. PGS, TS, bác sĩ Bùi Hoàng Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của BV cho biết: "Trong số các bệnh nhân chưa thanh toán, chỉ khoảng 50% quay lại chi trả. Phần còn lại khiến viện phí bị treo, gây khó khăn cho quyết toán tài chính. Chúng tôi rất mong bệnh nhân thanh toán sớm để có thể chốt sổ, hoàn tất thủ tục với bệnh viện và bảo đảm quyền lợi cho nhân viên, tránh tình trạng cuối tháng phải khấu trừ vào lương".
Bệnh nhân tự ý rời viện khi chưa thanh toán đầy đủ viện phí không còn là chuyện hiếm gặp. Nhiều cơ sở y tế hiện phải "ghi sổ" những khoản thâm hụt kéo dài với danh sách bệnh nhân nợ viện phí ngày một dày lên. Bài toán đặt ra là làm sao vừa linh hoạt xử lý, đặt mục tiêu cứu người lên hàng đầu nhưng cũng bảo đảm cân đối tài chính để có thể vận hành bền vững.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Tôi từng nhiều lần cấp cứu cho những bệnh nhân lâm vào cảnh ngặt nghèo chỉ vì không kham nổi viện phí. Có ca chỉ qua một đêm đã tiêu tốn hơn 100 triệu đồng. May mắn là trong hầu hết các trường hợp, sự chung tay kịp thời từ BV, Phòng Công tác xã hội, các nhà hảo tâm thầm lặng đã giúp người bệnh vượt qua. Nhờ vậy, chưa có bệnh nhân nào tôi từng cấp cứu phải bỏ lại phía sau vì lý do viện phí”.
Tuy nhiên cũng theo bác sĩ Phúc, trong cơ chế tự chủ hiện nay, BV không còn được bao cấp, nếu bệnh nhân không đóng viện phí thì các bác sĩ và nhân viên y tế không biết lấy đâu ra để bù?
Cứu cánh từ bảo hiểm y tế
Không chờ đóng tiền rồi mới cứu người. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi ca cấp cứu. Nhưng để giữ được nguyên tắc ấy, các BV đang phải xoay xở đủ hướng. Trước mắt, để kịp thời có nguồn tiền điều trị cho bệnh nhân, đa phần các BV đều kêu gọi sự ủng hộ từ thiện cho các bệnh nhân nghèo thông qua Phòng Công tác xã hội. Việc này đã giúp hạn chế tình trạng thất thu và khiến bệnh nhân an tâm vượt qua trở ngại tài chính.
PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội đề xuất: “Theo tôi, trước tiên phải nâng cao chất lượng phòng cấp cứu hồi sức. Rất cần xây dựng quy trình cấp cứu hồi sức theo nguồn lực của mỗi tuyến, thậm chí mỗi BV. Cần có chủ trương “bù lỗ” cho các đơn vị cấp cứu hồi sức. Không thể để khoa này tự chủ hạch toán thu chi được, cần bao cấp và nếu bị “thất thu” thì ngân sách địa phương hoặc chính bản thân BV sẽ chi trả sau khi kiểm toán hàng năm”.
Về phía gia đình người bệnh, các bác sĩ khuyên rằng, hãy nhớ đến tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Thời gian qua, có 32 nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT khám, chữa bệnh miễn phí. Các đối tượng khác cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ. “Khi vào viện, đặc biệt là các trường hợp cấp cứu, tấm thẻ BHYT chính là cứu cánh cho người bệnh. Đừng để đến lúc cần rồi mới thấy tiếc!”, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc khuyến cáo.
Sức khỏe cháu bé M.T.A. (4 tuổi, Nam Định), nạn nhân vụ tai nạn do xe ba bánh tự chế, đã ổn định sau ca mổ tại BV Nhi Trung ương và dự kiến xuất viện ngày 12/5. Nhưng phía sau niềm vui ấy, chia sẻ của PGS, TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc BV khiến nhiều người không khỏi trăn trở: “Chúng tôi vẫn còn nhiều day dứt về nỗi lo “ba trong một” của các bác sĩ hiện nay khi vừa phải lo cấp cứu cho người bệnh, vừa chịu áp lực thu tiền viện phí lại chịu nguy cơ bị người nhà bệnh nhân hành hung bất cứ lúc nào!”.