Phóng viên (PV): Theo ông, đâu là những kẽ hở lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay liên quan đến quản lý TPCN?
![]() |
TS Phạm Trọng Nghĩa: Hệ thống này hiện còn nhiều điểm chưa theo kịp thực tiễn. Một kẽ hở lớn là việc kiểm soát chất lượng trước khi sản phẩm lưu hành. Hiện phần lớn TPCN được quản lý theo cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm công bố sản phẩm với Bộ hoặc Sở Y tế. Tuy nhiên, hồ sơ chủ yếu do doanh nghiệp tự cung cấp, không bắt buộc gửi mẫu kiểm nghiệm thực tế đến cơ quan chức năng trước khi lưu hành. Trong khi đó, cơ quan quản lý thường chỉ kiểm tra giấy tờ, thiếu các đợt kiểm nghiệm thực tế, dẫn đến nguy cơ sản phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường.
Vấn đề khác là chưa có quy định riêng cho TPCN nhập khẩu dạng "xách tay", thường được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Các sản phẩm này không công bố hợp quy hay kiểm định chất lượng, tiềm ẩn rủi ro cao cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng hội thảo, sự kiện để tư vấn, quảng bá sản phẩm vượt quá phạm vi được phép. Hoạt động này hiện vẫn chưa bị kiểm soát chặt chẽ.
PV: Tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN tràn lan hiện nay có phải do pháp luật chưa đủ sức răn đe không, thưa ông?
TS Phạm Trọng Nghĩa: Thực trạng này bắt nguồn từ cả quy định pháp luật chưa cập nhật và việc thực thi còn hạn chế. Luật Quảng cáo năm 2012 và các nghị định liên quan chưa điều chỉnh đầy đủ các hình thức quảng cáo mới trên môi trường số như livestream, quảng cáo trá hình trên mạng xã hội hay các bài đăng từ những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng (KOL), người tiêu dùng chủ chốt (KOC)…
Mức xử phạt hiện nay còn nhẹ so lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm. Thí dụ, theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt cao nhất từ 60-100 triệu đồng, trong khi doanh thu từ quảng cáo sai sự thật có thể lên tới hàng tỷ đồng. Thêm vào đó, việc truy vết và xử lý các tài khoản quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok… vẫn rất khó khăn.
PV: Vậy phải chăng pháp luật hiện hành chưa đủ để kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử?
TS Phạm Trọng Nghĩa: Đúng là pháp luật hiện nay chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các hình thức bán hàng trực tuyến. Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Luật An toàn thực phẩm 2010 chưa có quy định riêng về hoạt động bán TPCN qua mạng. Dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã cập nhật một số nội dung mới về thương mại điện tử nhưng chưa đủ để kiểm soát hiệu quả mặt hàng TPCN.
Một lỗ hổng lớn nữa là hiện các sàn thương mại điện tử chỉ đóng vai trò trung gian, không chịu trách nhiệm kiểm duyệt giấy tờ công bố hợp quy hay chất lượng sản phẩm trước khi đăng bán. Điều này tạo kẽ hở để các sản phẩm không đạt chuẩn dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Cần bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của các nền tảng số từ mạng xã hội cho đến sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo và hồ sơ pháp lý của sản phẩm TPCN. Yêu cầu sàn chỉ cho phép đăng bán TPCN khi có giấy công bố hợp quy hợp pháp, đồng thời xóa bỏ nội dung vi phạm trong thời gian quy định.
![]() |
Người dân cần tìm hiểu kỹ các loại thực phẩm chức năng được bày bán trên thị trường. Ảnh: NAM NGUYỄN |
PV: Ông có kiến nghị gì để hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý TPCN trong thời gian tới?
TS Phạm Trọng Nghĩa: Việc sửa đổi các văn bản pháp luật cần theo hướng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong khâu công bố sản phẩm, đặc biệt là minh bạch về thành phần, công dụng thực tế. Bên cạnh đó, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật; bổ sung quy định kiểm nghiệm ngẫu nhiên bởi bên thứ ba độc lập trước khi lưu hành. Đối với nhóm sản phẩm nhạy cảm như TPCN dành cho trẻ em, người già, người bệnh…, cần bổ sung quy định bắt buộc kiểm nghiệm tại các phòng thí nghiệm do Nhà nước chỉ định.
Về dài hạn, việc ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh, như dùng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai AI giám sát quảng cáo trực tuyến và phát hiện vi phạm tự động; phối hợp quốc tế để xử lý các máy chủ đặt ở nước ngoài.
Ngoài ra, cần tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức người tiêu dùng, giúp họ nhận diện sản phẩm an toàn và tiếp cận thông tin pháp lý từ các nguồn chính thống.
PV: Xin cảm ơn ông!
TS Phạm Trọng Nghĩa: Hiện nay, Bộ Y tế là cơ quan đầu mối quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có TPCN. Tuy nhiên, còn có sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương. Cần sớm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản có liên quan để tránh chồng chéo và bỏ trống trách nhiệm, nhất là với các loại hình kinh doanh mới.