Chính quyền “làm ngơ”
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận tổng số hơn 4.400 vụ việc tồn đọng và vi phạm liên quan đất đai, thì riêng thị trấn Đạo Đức đã có tới 995 vụ việc (chiếm hơn 22%). Con số này đặt ra câu hỏi lớn về năng lực, trách nhiệm và sự minh bạch của chính quyền.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Đạo Đức, năm 2021, địa phương ghi nhận 183 trường hợp (TH) tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Đến năm 2022, khi rà soát lại, phát hiện thêm… 812 TH vi phạm với diện tích gần 190 nghìn m², nâng tổng diện tích vi phạm của 995 vụ việc lên gần 240 nghìn m². Dù tỉnh, huyện nhiều lần đôn đốc, nhưng hầu hết các TH vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tại điểm giao giữa đường trục Mê Linh và địa phận thị trấn Đạo Đức, nhiều công trình trái phép “mọc” trên đất nông nghiệp. Trong 32 TH vi phạm, thị trấn chỉ vận động được 10 hộ tự tháo dỡ công trình, còn 22 TH chưa bị lập biên bản xử lý. Lý do chính quyền đưa ra là chưa xác định được ranh giới đất thủy lợi và gặp khó khăn trong truy nguyên nguồn gốc đất do chuyển nhượng qua nhiều chủ sử dụng.
Vụ việc điển hình cho sự thiếu trách nhiệm của UBND thị trấn Đạo Đức là TH bà Hoàng Thị Thu Thủy xây ngôi nhà 2 tầng trên các thửa đất số A23, A24 tại khu Đồng Dịch, tổ dân phố Trại Ngoài từ năm 2019. Nhưng Văn bản số 127/BC-UBND ngày 1/10/2024 của UBND thị trấn gửi Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Xuyên lại xác nhận, khu đất này chưa giao cho cá nhân, hộ gia đình nào.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, bố đẻ bà Hoàng Thị Thu Thủy cho biết, từ khi xây nhà, gia đình đã thông báo cho cán bộ địa chính thị trấn đến kiểm tra, đo đạc, trích lục bản đồ, nhưng đến nay chưa làm được giấy tờ đất. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, công chức địa chính của thị trấn lại khẳng định: Hộ bà Thủy là hộ duy nhất tại khu đất dịch vụ Đồng Dịch không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, do bà Thủy xây nhà khi chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có giấy phép xây dựng.
Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Xuyên đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND thị trấn Đạo Đức kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý vi phạm của hộ bà Thủy. Nhưng đến nay vẫn không có biên bản nào được lập, cũng không có biện pháp xử lý nào được thực hiện.
Chậm xử lý cán bộ vi phạm
Giai đoạn 2020-2024, UBND huyện Bình Xuyên giao chỉ tiêu cho thị trấn Đạo Đức phải xử lý 37 TH vi phạm đất đai mỗi năm. Tuy nhiên, thị trấn liên tục không hoàn thành nhiệm vụ: Năm 2020 chỉ tháo dỡ được 3 TH; năm 2021 xử lý 22 TH; năm 2022 không cưỡng chế được TH nào. Năm 2023 và 2024, thị trấn báo cáo giữ nguyên hiện trạng 44 và 45 TH vì lý do “không phù hợp quy hoạch sử dụng đất”.
Trên địa bàn thị trấn phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Năm 2024, thị trấn trực tiếp tiếp nhận và tiếp nhận từ cấp trên chuyển đến 99 TH đơn thư.
Một trong những lý do để vi phạm tràn lan mà thị trấn Đạo Đức đưa ra là công chức địa chính thường xuyên thay đổi, không theo kịp hồ sơ vụ việc. Tuy nhiên, điều này không thể biện minh cho việc hàng trăm TH vi phạm bị bỏ qua. Nhiều TH dù đã có biên bản xử phạt, quyết định đình chỉ xây dựng từ hơn 10 năm trước nhưng vẫn tồn tại ngang nhiên. Như TH ông Trịnh Khắc Phùng vẫn hoàn thiện nhà bất chấp việc bị đình chỉ xây dựng từ năm 2012. Các quyết định xử lý vi phạm hành chính của UBND thị trấn không có giá trị thực tế, nhiều TH chỉ lập biên bản “giữ nguyên hiện trạng” một cách qua quýt cho… xong.
Nhiều năm liền tại thị trấn Đạo Đức, các cán bộ đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ vẫn không bị xử lý. Lãnh đạo UBND huyện Bình Xuyên cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát, chỉ đạo, cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm. Việc buông lỏng quản lý tại các cấp đã tạo tiền lệ xấu, khiến vi phạm lan rộng, người vi phạm “nhờn” luật.
Trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và bỏ cấp huyện, tỉnh Vĩnh Phúc cần chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với thị trấn Đạo Đức, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan; đặc biệt lưu ý không bố trí vào bộ máy mới những cán bộ không đủ năng lực, uy tín, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai. Toàn bộ các TH vi phạm tại thị trấn cần bị cưỡng chế tháo dỡ, thu hồi đất sử dụng sai mục đích và công khai kết quả xử lý trước nhân dân.