Mong mỏi miễn viện phí toàn dân

Chính sách “miễn viện phí toàn dân” đang được hướng tới trong giai đoạn 2030-2035, song hành cùng chủ trương khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Đây là bước tiến quan trọng hiện thực hóa quyền tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu cho mọi người dân, xóa bỏ gánh nặng tài chính trong khám, chữa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân vùng sâu, vùng xa khám bệnh miễn phí (ảnh chụp tại Vị Xuyên, Hà Giang).
Người dân vùng sâu, vùng xa khám bệnh miễn phí (ảnh chụp tại Vị Xuyên, Hà Giang).

Chuyện nhặt ngoài bệnh viện

Năm 2017, trong một chuyến thiện nguyện cùng đội ngũ y, bác sĩ từ TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng lên Vị Xuyên (Hà Giang) khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho bà con đồng bào, chúng tôi bất ngờ vì bà con đến đông như vậy. Buổi khám dự kiến chỉ nửa ngày nhưng đã “trượt” sang cuối giờ chiều mới xong. Tuy mệt, ai cũng vui mừng vì đã giúp đỡ được bà con.

Tiếp cận y tế với một khoản chi, dù lớn hay nhỏ, vẫn đang là sự ngần ngại, trì hoãn của người dân miền núi, nông thôn. Chị Lê Thị Hòa, 56 tuổi, ở xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết: “Tôi bị đau thường xuyên ở vùng ngực và vai bên phải. Tôi nghĩ mình bị bệnh do ngày trước đi bán rong gánh lệch một vai, cũng đã có tuổi. Nhiều người khuyên tôi đến viện khám, nhưng tôi sợ, lỡ họ khám ra nhiều bệnh thì lấy đâu tiền mà… chữa”.

Lân la quanh những bệnh viện mới thấu hiểu khó khăn của bệnh nhân và người nhà theo chăm. Tại cổng Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam, nhiều quán cơm bình dân bán suất ăn đồng giá 20 nghìn đồng. Vậy nhưng vẫn có những khách hàng căn cơ bớt đi 5 nghìn đồng để tiết kiệm, dành tiền chữa bệnh. Cùng đắn đo trước đĩa cơm, bà Hồ Thị Liên (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) và bà Đỗ Thị Hương (xã Đại An, huyện Đại Lộc) lại chung cảnh có người thân đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Hai người phụ nữ lặng lẽ mua suất cơm trưa 15 nghìn đồng.

Bưng đĩa cơm về bàn, bà Liên thoáng ngỡ ngàng. Đĩa của bà chỉ có một con cá biển kho mặn, vài cọng rau xào và chén canh đạm bạc. Nhưng đĩa cơm của bà Hương lại có… hai con cá kho. Họ cùng nhau quay lại quầy để hỏi vì sao cùng giá 15 nghìn đồng, hai phần cơm lại khác nhau.

Chị Lê Thị Hải, chủ quán cơm có vẻ phân vân. Không giải thích dài dòng, chị nhanh tay gắp thêm một con cá vào đĩa cơm của bà Liên. Lúc này, hai vị khách mới yên tâm ngồi xuống ăn trưa. Khi quán vắng, chị Hải chia sẻ: “Nhiều người nhà bệnh nhân khổ lắm. Họ chăm người ốm thức đêm, người cũng gầy rộc đi. Họ kêu cơm 15 nghìn đồng, tôi vẫn bán. Thấy ai chăm người nhà vất vả, lâu ngày chưa ra viện, tôi thương, nhiều khi lén gắp thêm cho họ miếng cá, chút thịt. Có khi đĩa này hơn đĩa kia một chút. Họ so sánh, thắc mắc cũng phải…”.

Tạo “lá chắn” sức khỏe cho người dân

Là người trong nghề, nhiều năm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nơi vùng cao trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trung tâm y tế huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mỗi khi ốm đau, chi phí khám, chữa bệnh trở thành nỗi lo, thậm chí biến thành gánh nặng, khiến nhiều gia đình chần chừ, không dám đến bệnh viện, từ đó lỡ cơ hội cứu chữa kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.

Nhiều bác sĩ tuyến huyện cho hay, họ từng chứng kiến những ánh mắt lo âu của các cụ già khi cầm trên tay hóa đơn viện phí, hay giọt nước mắt của những người mẹ trẻ không đủ tiền mua thuốc cho con…

Chủ trương miễn viện phí không chỉ đơn thuần giảm bớt gánh nặng kinh tế, mà còn mang thông điệp, ý nghĩa nhân văn: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và mọi người dân đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, không phân biệt giàu nghèo.

“Khi viện phí được miễn, người dân sẽ không còn phải đắn đo, lo lắng về tiền bạc mỗi khi cần đến bệnh viện. Họ sẽ chủ động hơn trong việc thăm khám, điều trị bệnh tật ở giai đoạn sớm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm. Điều này đặc biệt quan trọng ở những vùng đồng bào miền núi, nơi nhận thức về y tế của người dân đôi khi còn hạn chế và việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn”, bác sĩ Lê Anh Tuấn, trạm Y tế xã Xuân Thái, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) nhìn nhận.

Bác sĩ Tô Văn Nhân, Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam cho rằng, miễn viện phí là chủ trương được toàn dân mong đợi, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Không chỉ người bệnh được lợi, người thân đi theo chăm sóc cũng vơi đi nhiều lo toan, vất vả.

“Với chúng tôi, những người làm công tác y tế ở tuyến cơ sở, mục tiêu miễn viện phí là nguồn động lực lớn lao, giúp chúng tôi cảm thấy công việc của mình càng thêm ý nghĩa”, bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trung tâm y tế huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bày tỏ.

Miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2026-2030 sẽ có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe; 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.