Tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam gia tăng nhanh tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ đồ uống có đường. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19,6% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang rất cao ở khu vực thành thị (26,8%), tiếp đến là nông thôn (18,3%) và khu vực miền núi, nơi vẫn còn khó khăn về điều kiện kinh tế song cũng có 6,9% trẻ bị thừa cân, béo phì. Với người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 15,6% (năm 2015) lên 19,6% (năm 2020).
Tác nhân chính gây thừa cân, béo phì
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày đối với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và giảm xuống dưới 5% (tương đương 25g hoặc từ 5-6 thìa cà-phê) để có lợi hơn cho sức khỏe.
Riêng với trẻ em từ 2-18 tuổi, Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ khuyến cáo nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 5 thìa cà-phê (25g) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào; trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Theo số liệu thống kê, tổng mức tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng hơn gấp bốn lần, từ 1,59 tỷ lít (năm 2009) lên 6,67 tỷ lít (năm 2023); mức tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ 18,5 lít/người (năm 2009), lên thành 66,5 lít/người (năm 2023).
Ở Việt Nam, nhóm tuổi từ 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46% dân số; đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất.
Trong khi đó, khảo sát tại Việt Nam cho thấy, 43% thanh, thiếu niên (từ 11-25 tuổi) uống đồ uống có đường trung bình khoảng 2 lần/tuần; 23,1% thanh, thiếu niên được khảo sát uống khoảng 2 lon (chai) dung tích từ 300-500 ml trong mỗi lần sử dụng. Đáng chú ý, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 46,59g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo 25g/ngày của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết thêm, nghiên cứu ở 75 quốc gia cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% đồng nghĩa với việc có thêm gần 5 người lớn thừa cân/100 người, hơn 2 người lớn béo phì/100 người (chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình).
![]() |
Đồ uống có đường - tác nhân của thừa cân, béo phì. |
Tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân, béo phì; béo phì cao hơn ở 5 tuổi. Cứ mỗi 100 ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở độ tuổi lên 6.
Với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ bị béo phì tăng 60% trong 1,5 năm theo dõi. Trẻ em thường xuyên uống đồ uống có đường có chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 2,24 lần so với trẻ không uống đồ uống có đường.
Kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường bằng thuế
Kết luận tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều có thể sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc; nguồn nhân lực phải có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ trông chờ vào bác sĩ. Ý thức phòng bệnh phải bắt đầu từ mỗi người dân. Những yếu tố cơ bản của văn hóa lành mạnh là: Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, thể dục, thể thao, khám sức khỏe định kỳ; nói không với rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; chăm sóc sức khoẻ tinh thần, sống tích cực, yêu thương và chia sẻ... Đây chính là nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai.
Để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ từ đồ uống có đường, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị các quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy phân tích, hiện nay việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đang là xu hướng của các quốc gia nhằm giảm thiểu tác hại của sản phẩm này đối với sức khỏe. Đã có 104 quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành và thực thi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trên phạm vi toàn quốc, trong đó khu vực Đông Nam Á đã có 6 quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng bởi nó mang lại ba hiệu quả: Cải thiện sức khỏe cộng đồng; tăng thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thống nhất phương án dự kiến của dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này có thể giãn thời gian áp dụng và lộ trình là 8% vào năm 2027 và 10% từ năm 2028.
Tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Đối với các sản phẩm chịu thuế, ngoài danh mục nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, cần bổ sung các đồ uống có đường được tiêu dùng phổ biến khác theo danh mục và lộ trình do Chính phủ quy định; nghiên cứu thị trường đồ uống định kỳ để xác định các sản phẩm được tiêu dùng phổ biến ngoài danh mục tiêu chuẩn Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm dinh dưỡng có hàm lượng đường cao được trẻ em sử dụng phổ biến để kịp thời đề xuất bổ sung vào danh mục đối tượng chịu thuế.