Giành giật sự sống cho người ung thư thận từng từ chối phẫu thuật

NDO - Nhiều lần từ chối phẫu thuật khi biết khối u thận đã xâm lấn vào mạch máu, khả năng sống không quá một năm nếu không điều trị, nhưng nhờ quyết tâm điều trị kéo dài sự sống cho người bệnh, các bác sĩ đã mang lại cuộc sống mới cho chị Nguyễn Thị Ánh.
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh.
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Ánh (44 tuổi, TP Hồ Chí Minh) biết thận phải có khối u 6 năm trước trong lần khám sức khỏe. Năm 2023, mẹ mất, chị Ánh mới có thời gian riêng để quan tâm sức khỏe cá nhân. Chị đến bệnh viện gần nhà khám lại, phát hiện kích thước khối u thận phải đã to khoảng 13-14cm, tế bào ung thư đã di căn xa, xâm lấn vào mạch máu, khả năng sống không quá một năm nếu không điều trị.

Cầm kết quả khám bệnh trở về nhà, chị như rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Từ chối phẫu thuật, chị thu xếp công việc trong nhà, dặn dò chồng con, nhờ chị em trong nhà thay mình chăm sóc các con, chuẩn bị tinh thần chờ ngày tử thần gõ cửa.

Đầu tháng 11, sức khỏe chị suy giảm nhiều hơn, hông lưng thường xuyên đau buốt, gương mặt hốc hác, cơ thể dễ mệt mỏi, phải nằm nhiều. Gia đình một lần nữa thuyết phục chị đến cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật.

Giành giật sự sống cho người ung thư thận từng từ chối phẫu thuật ảnh 1
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức (bên trái) cùng các cộng sự khoa Tiết niệu, Phẫu thuật mạch máu, Phẫu thuật Gan Mật Tụy, phẫu thuật cho chị Ánh.

Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu-Thận học-Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết cực trên thận trái của người bệnh có một khối u ác tính rất lớn, kích thước 14cm. Nguy hiểm hơn, chồi của khối u đã xâm lấn khoảng 4-5cm vào tĩnh mạch chủ bụng (tĩnh mạch lớn nhất trong cơ thể).

“Phẫu thuật là cứu cánh duy nhất”, bác sĩ Đức cho biết. Nếu không phẫu thuật, sự sống của chị không thể kéo dài, thậm chí chỉ còn tính bằng tháng. Ngược lại, dù phẫu thuật không đảm bảo giúp chị có thể sống thêm nhiều năm nữa, nhưng phẫu thuật là lựa chọn điều trị tốt nhất ở trường hợp của chị.

Nhận cái lắc đầu của chị, bác sĩ Đức quyết tâm thuyết phục: "Dù chỉ một ngày được sống cũng quý giá huống chi có thể sống thêm 5 năm, 10 năm”.

Sau 3 tuần suy nghĩ, chị trở lại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, gặp bác sĩ Đức, đặt bút ký vào giấy xác nhận phẫu thuật, chấp nhận chiến đấu đến cùng để sống.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh nhanh chóng tổ chức hội chẩn toàn viện nhằm đưa ra phương án phẫu thuật cho chị. Do khối u thận đã xâm lấn tĩnh mạch chủ và một phần lớn của khối u dính với mặt sau gan nên cuộc phẫu thuật của chị Ánh được thực hiện dưới sự phối hợp đồng thời của 3 chuyên khoa Tiết niệu, Phẫu thuật mạch máu, Phẫu thuật mạch máu và Phẫu thuật Gan Mật Tụy. Mục tiêu cắt toàn bộ thận phải cùng khối u và mở tĩnh mạch chủ lấy trọn chồi u.

Sau khi kiểm soát cuống thận cả 2 bên, bước nguy hiểm nhất của cuộc mổ là thao tác bóc tách đến tận cơ hoành (ngay dưới ngực), bộc lộ rõ tĩnh mạch chủ rồi kẹp lại, tạm thời chặn lưu thông máu để tiến hành mở tĩnh mạch chủ. Cuối cùng êkíp cẩn thận tách toàn bộ chồi u ra khỏi tĩnh mạch chủ bụng cùng với toàn bộ khối thận có u.

Theo bác sĩ Đức, đây là công đoạn phức tạp và vô cùng nguy hiểm trong cuộc mổ này. Bởi, tĩnh mạch chủ bụng là một trong những mạch máu lớn nhất trong cơ thể, việc mở mạch máu này sẽ khiến người bệnh mất máu nhiều. Do đó, ê-kíp sử dụng thiết bị chuyên biệt có thể tái sử dụng nguồn máu tự thân của người bệnh, giúp người bệnh tránh mất máu ồ ạt và không phải truyền máu nhiều.

Giành giật sự sống cho người ung thư thận từng từ chối phẫu thuật ảnh 2

Bệnh nhân có cuộc sống mới sau ca phẫu thuật.

Ngoài ra, nếu quá trình tách toàn bộ khối u ra khỏi tĩnh mạch không cẩn thận, để sót một phần khối u trôi theo dòng máu về phổi, làm tắc phổi, khiến người bệnh suy hô hấp, tử vong ngay trên bàn mổ.

Ê-kíp bác sĩ Phẫu thuật Gan Mật Tụy bóc tách phần u thận lớn dính vào gan tạo điều kiện để êkíp bác sĩ Tiết niệu tiến hành cắt và lấy toàn bộ thận phải cùng khối u ung thư ra ngoài.

Sau 4 tiếng tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng, ca mổ kết thúc. Các thành viên trong ê kíp phẫu thuật đều thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu và không phát sinh rủi ro nào với sức khỏe người bệnh. Một tuần sau mổ, chị Ánh phục hồi tốt, ít đau, có thể đi lại nhẹ nhàng, ăn uống bình thường.

Bác sĩ Đức cho biết phẫu thuật đã loại bỏ gần như toàn bộ tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh cần điều trị bổ sung bằng hóa trị để loại bỏ triệt để tế bào ung thư và ngăn ngừa tái phát.

Thống kế từ Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2022, ung thư thận chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng số các trường hợp ung thư. Trường hợp ung thư thận xâm lấn tĩnh mạch chủ bụng như chị A. thậm chí ít gặp hơn, cũng là trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Ung thư thận nguy hiểm ở chỗ tiến triển âm thầm, người bệnh hầu như không xuất hiện triệu chứng ở những giai đoạn đầu, thường chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Khi người bệnh phát hiện dấu hiệu như tiểu máu, đau hông lưng dai dẳng, bụng lớn lên, dễ mệt mỏi, chán ăn, sụt cân bất thường… ung thư thận đã chuyển sang giai đoạn muộn.

Do đó, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức khuyến cáo cần xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện ung thư thận ở giai đoạn đầu, việc điều trị dễ dàng, tỉ lệ khỏi hoàn toàn cao, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra cần sớm đến bệnh viện khám khi có triệu chứng nêu trên để xác định chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp.