Giáo sư Sử học Pierre Journoud: Chuyến thăm của Tổng thống E. Macron có ý nghĩa đặc biệt cho quan hệ song phương và quốc tế

NDO - Giáo sư sử học Pierre Journoud nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân từ ngày 25 đến 27/5/2025 mang đến cơ hội để Việt Nam và Pháp làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Pierre Journoud là cố vấn lịch sử trong Đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron thăm Việt Nam từ ngày 25 đến 27/5.
Giáo sư Pierre Journoud là cố vấn lịch sử trong Đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron thăm Việt Nam từ ngày 25 đến 27/5.

Đây là chuyến thăm lần thứ năm của một nguyên thủ Cộng hòa Pháp và của Tổng thống Pháp thứ 4 tới Việt Nam trong hơn 30 năm qua kể từ chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand vào năm 1993, nhưng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi nhậm chức năm 2017.

Làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Giáo sư Pierre Journoud (Trường đại học Paul-Valéry Montpellier 3) cho rằng chuyến thăm này rất được mong đợi và sẽ làm nên những ý nghĩa đặc biệt cho quan hệ song phương và quốc tế.

Trên bình diện song phương, sự kiện lần này diễn ra chưa đầy 8 tháng sau chuyến thăm chính thức Pháp tháng 10/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đánh dấu bằng việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Pháp-Việt Nam được ký kết năm 2013 lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, Pháp đứng thứ 8 trong tổng số 13 nước quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký kể từ năm 2008, nhưng là quốc gia châu Âu đầu tiên trong danh sách này.

Trong 6 tháng gần đây, các hoạt động trao đổi đoàn và mở rộng cơ chế hợp tác đã được đẩy nhanh. Có hơn 10 phái đoàn Pháp đến thăm Việt Nam, gồm 4 phái đoàn cấp bộ trưởng và Chính phủ cùng với 6 đoàn đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Vào tháng 12/2024, hai nước cũng tổ chức Đối thoại Biển lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao Pháp và Việt Nam.

Các cuộc tham vấn cấp cao diễn ra thường xuyên và bao trùm lên mọi lĩnh vực như chính trị, chiến lược và quốc phòng, kinh tế, văn hóa. Ngoài ra, quan hệ hai nước cũng cần phải kể đến sự hợp tác phi tập trung và phong phú giữa các chính quyền địa phương trong nhiều năm qua.

Một bước tiến nổi bật gần đây trong việc thúc đẩy sự gắn bó trong quan hệ Pháp-Việt Nam là lần đầu tiên trong lịch sử song phương ghi nhận sự hiện diện của hai thành viên Chính phủ Pháp tại buổi lễ chính thức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức ngày 7/5/2024. Tham dự sự kiện này là Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Bộ Tưởng niệm và Ký ức Patricia Mirallès.

Giáo sư Pierre Journoud nhấn mạnh: Hai nước đã nhìn nhận quá khứ một cách trực diện và dưới mọi góc độ để xây dựng nền tảng cho một mối quan hệ thiết thực, tin tưởng lẫn nhau. Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự trỗi dậy về kinh tế và ngoại giao của Việt Nam, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và đi vào chiều sâu.

Chuyến thăm này là nhằm nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ song phương lâu dài, đa dạng và năng động, dựa trên tầm nhìn tích cực và mang tính xây dựng về lịch sử hai nước. Đây cũng là biểu tượng của một cuộc hòa giải thành công.

Giáo sư Pierre Journoud

Tình hình quốc tế cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Thế giới đang chứng kiến ​​sự xuất hiện của những mối quan hệ phức tạp. Còn Việt Nam là một quốc gia đang nổi lên trong khu vực ASEAN với chính sách ngoại giao "cây tre Việt Nam”, tham gia vào vị trí trung tâm của một mạng lưới rộng lớn của các quan hệ đối tác.

Pháp và Việt Nam cùng thống nhất quan điểm trong việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản to lớn của một đời sống quốc tế hòa bình: mong muốn duy trì các cân bằng quốc tế lớn - nhất là chủ nghĩa đa phương của Liên hợp quốc và đối thoại liên khu vực; tôn trọng và đảm bảo tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật hàng hải và bảo vệ hòa bình. Sự hội tụ chiến lược toàn cầu này hiện đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

Điểm nổi bật trong quan hệ Pháp-Việt Nam

Theo Giáo sư Pierre Journoud, điểm mạnh và nổi bật đầu tiên chắc chắn liên quan đến sự đa dạng của các bên tham gia và lĩnh vực, cũng như các cơ chế tham vấn và trao đổi trong mối quan hệ hai nước. Từ xã hội dân sự đến các nhà lãnh đạo cấp cao, cùng chính quyền địa phương và các hiệp hội, người dân Pháp và Việt Nam đều tìm cách để hiểu biết lẫn nhau, trao đổi ý tưởng và hợp tác.

Lĩnh vực nào cũng ghi dấu ấn quan hệ hai nước: chính trị và ngoại giao, hành chính và pháp lý, quân sự, văn hóa và kỹ thuật, sinh thái và khoa học, kinh tế và thương mại,... Trong lĩnh vực ngoại giao, các phái đoàn Pháp và Việt Nam có các cuộc tham vấn chặt chẽ tại tổ chức quốc tế hoặc khu vực như Liên hợp quốc, kể cả đối thoại ASEAN-EU, ASEM và OIF.

Điểm mạnh thứ hai là hai bên duy trì đối thoại, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất mà người Việt Nam phải trải qua, từ những năm 1950 đến những năm 1980. Hai nước coi trọng đối thoại để thúc đẩy trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực thiết yếu đối với người dân như y tế, vốn có nhiều trí thức Việt Nam theo học và nghiên cứu tại Pháp từ lâu.

Một trong những điểm sáng trong quan hệ Pháp và Việt Nam là hợp tác giáo dục đại học. Điển hình là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), được thành lập năm 2012, đào tạo 200 nhà nghiên cứu Việt Nam và hiện đang có khoảng 5.000 sinh viên theo học. Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) đã đào tạo hơn 9.000 kỹ sư Việt Nam. Trung tâm Pháp-Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) đã đào tạo hơn 5.000 sinh viên Việt Nam, nhiều người trong số đó hiện đang giữ các vị trí cấp cao tại các công ty Việt Nam ở địa phương.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Gần đây, phát triển bền vững đã trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, dẫn đến sự gia tăng đầu tư của Pháp, nhất là thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Với 16,7 tỷ euro tiền vay ưu đãi được cấp trong giai đoạn 1993-2022, Pháp là nhà tài trợ song phương hàng đầu về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia nhận ODA lớn thứ hai của Pháp trên thế giới.

Cần tăng cường hợp tác kinh tế

Theo Giáo sư Pierre Journoud, trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước, mặc dù khối lượng đang tăng lên, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng và thậm chí đã suy giảm tương đối kể từ những năm 2000. Thực tế này đã được nhận thấy rõ từ lâu, nhưng hiện vẫn chưa có phải giải pháp hiệu quả hơn. Thị phần của Pháp tại Việt Nam đã giảm từ 4-5% trong nửa cuối những năm 1990 xuống còn dưới 1% hiện nay. Tổng cục Tài chính Pháp đã nhấn mạnh, sự hiện diện khiêm tốn của Pháp tại Việt Nam phải được thừa nhận.

Năm 2023, Pháp là đối tác lớn thứ 24 của Việt Nam, chiếm 0,7% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa. Năm 2024, mặc dù các khoản đầu tư có tác động định tính đến các lĩnh vực như ngành dược phẩm, Pháp chỉ là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ năm vào Việt Nam xét về dòng vốn. Ngược lại, FDI của Việt Nam tại Pháp, cũng như những nơi khác, vẫn còn rất khiêm tốn. Thực tế, xu hướng quốc tế hóa hiện nay của các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra những động lực mới.

Hơn nữa, xuất khẩu của Pháp phụ thuộc quá nhiều vào một số ít ngành chính như hàng không, dược phẩm, bảo hiểm hoặc công nghiệp thực phẩm và tập trung vào một số ít tập đoàn lớn như Airbus, Thales, Safran, EDF, TotalEnergies, Bouygues, RATP,... Do đó, cần phải tìm cách đa dạng hóa hơn nữa các tác nhân kinh tế bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo Giáo sư Pierre Journoud, khi phân tích những thiếu sót còn tồn tại trong mối quan hệ hai nước, không nên tách bạch hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Để đạt được hiệu quả cao hơn và vượt qua những hạn chế về khoảng cách địa lý và văn hóa, hai bên cần khuyến khích đào tạo đại học về ngôn ngữ và văn hóa ở cả hai nước. Hai bên cũng cần tăng cường tương tác giữa các tác nhân kinh tế và văn hóa, thúc đẩy việc thành lập các văn phòng đại diện, đặc biệt là các công ty Việt Nam tại Pháp như Viettel hay FPT, đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận...

Trong những năm gần đây, Pháp và Việt Nam đã nhân rộng các sáng kiến ​​để thông tin về tiềm năng phát triển kinh tế giữa hai nước và đưa sinh viên đến gần hơn với các tác nhân kinh tế và các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Emmanuel Macron chắc chắn sẽ là dịp để đưa ra một số thông báo quan trọng nhằm tăng cường đầu tư của Pháp vào các lĩnh vực Pháp ngữ, đào tạo sinh viên Việt Nam, hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo,…

Triển vọng phát triển của quan hệ song phương

Giáo sư Pierre Journoud nhận định: Rõ ràng là triển vọng phát triển của quan hệ song phương đầy hứa hẹn. Từ một “quốc gia có thu nhập trung bình” năm 2010, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng, với GDP hiện đứng thứ 34 trên thế giới và đang hướng tới vị thế “nước phát triển” vào năm 2045. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu có sức mua ngày càng tăng tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp Pháp mong muốn hợp tác và đầu tư vào quốc gia năng động này.

Việt Nam tiếp tục có những quyết sách lớn để tiến xa. Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra những cải cách táo bạo nhằm hiện đại hóa bộ máy hành chính Nhà nước và chính quyền địa phương vào đầu năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh chống tham nhũng.

Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Đó là nhờ sự ổn định về chính trị và an ninh của đất nước, sự cởi mở ngày càng tăng trên trường quốc tế trong khuôn khổ của chính sách ngoại giao "cây tre Việt Nam” đầy khéo léo. Đó là vai trò chủ chốt của Việt Nam trong ASEAN, nơi mà Pháp cũng đang xích lại gần hơn, cùng với việc thúc đẩy ngoại giao hòa bình như tổ chức các hội nghị thượng đỉnh, như cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung-un tại Hà Nội năm 2019.

Giáo sư Pierre Journoud nhấn mạnh: Việt Nam trở thành điểm đến đầy uy tín với công tác bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, sự năng động, cởi mở, tò mò và nồng hậu của người dân Việt Nam mang đến những phẩm chất vốn có không gì sánh được.

“Kim chỉ nam” của Pháp vẫn là các kỹ năng và bí quyết trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa và sáng tạo, giáo dục đại học và nghiên cứu, y tế, quản trị điện tử, kỹ thuật,…), vai trò lãnh đạo của Pháp trong Liên minh châu Âu, sự quan tâm liên tục của các nhà lãnh đạo Pháp đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, sự hiện diện đông đảo của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp lên tới hơn 300.000 người là sự đóng góp quan trọng cho việc củng cố hơn nữa mối quan hệ của hai nước.

Giáo sư Pierre Journoud nhận định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ Pháp-Việt Nam sẽ gắn bó hơn nữa với các thỏa thuận mới trong các lĩnh vực thiết yếu về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới, chuyển đổi năng lượng và khoáng sản thiết yếu, hàng không và vũ trụ, vận tải địa phương và toàn quốc, thậm chí cả năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, để đạt được thay đổi cần thiết này, Pháp và Việt Nam cần phải hiện đại hóa các nền tảng hợp tác, vốn có từ những năm 1990, và hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực mang tính chiến lược đối với hai nước".

Giáo sư sử học Pierre Journoud (Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3) là cố vấn lịch sử trong Đoàn thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 25-27/5/2025. Trước đó ông cũng đã tham gia đoàn thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien, ông Lecornu và Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức, bà Patricia Mirallès trong tháng 5/2024; của Thủ tướng Édouard Philippe trong tháng 11/2018 và của Tổng thống François Hollande trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9/2016.

Giáo sư Pierre Journoud là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử quan hệ Pháp - Việt Nam, trong đó có một số về trận chiến Điện Biên Phủ như "Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng" (2004), "Tướng De Gaulle và Việt Nam: 1954 - 1969", "Hòa giải", "Điện Biên Phủ - Sự kết thúc của một thế giới" và "Nghệ thuật chiến tranh Việt Nam"... Ông cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam cũng như quan hệ Pháp-Việt.

Nhiều năm qua, Giáo sư Pierre Journoud đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác Pháp-Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa và nhân đạo.