Kỳ 1: Gian nan cõng chữ lên đại ngàn Tủa Sín Chải
Tủa Sín Chải - nơi những thầy cô giáo lặng lẽ vượt núi, vượt mây, cõng từng con chữ đến với trẻ em bản xa. Ở đó, dẫu gian nan chồng chất, họ - những giáo viên cắm bản vẫn chọn hy sinh sự riêng tư, kìm nước mắt để vượt dốc ghềnh, đem con chữ đến với lũ trẻ bằng tất cả tình thương, trách nhiệm và sự cống hiến.

Lai Châu: Làm tốt công tác chăm, nuôi học sinh bán trú ở huyện biên giới Mường Tè
Rời trung tâm xã Tủa Sín Chải, chúng tôi theo các thầy cô giáo vào điểm trường ở bản Phi Én. Vượt gần 20km đường đất mới mở, dù phần nền đường còn chưa kịp ổn định nhưng với các thầy cô, thế là thuận lợi lắm rồi. Trước đây nếu muốn đến được điểm trường này, đi bộ phải mất quá nửa ngày, nếu đi xe máy phải mất đến gần 60km. Tuy nhiên, đường xe thuận lợi cũng chỉ được quá nửa, còn lại vẫn phải đi xe theo đường mòn.
Với các thầy cô giáo ở đây, khái niệm thuận lợi được hiểu đơn giản “chỉ cần đi được xe máy”, còn đi kiểu gì, đường dạng lối mòn hay sống trâu thì cũng vẫn là đường.
![]() |
Đường vào điểm trường Phi Én của các cô giáo cắm bản dịp mùa mưa |
Sau hơn 1 giờ di chuyển, chúng tôi cũng đến được điểm trường mầm non Phi Én. Điểm trường này lọt thỏm bên dưới sườn đồi với ba gian nhà lắp ghép đơn sơ, một phòng bếp dựng tạm bợ, một nhà vệ sinh quây bằng bạt, một chiếc bập bênh bằng cây gỗ đẽo ra, một cầu trượt bằng gỗ khác hỏng gần một nửa vì thời gian. Cơ ngơi trên được dựng lên từ sự hỗ trợ bởi các mạnh thường quân, sự đóng góp công sức của giáo viên và phụ huynh trong bản.
Điểm trường có bốn giáo viên nữ quản lý hai lớp ghép từ 2-3 tuổi với 32 cháu; 4-5 tuổi với 43 cháu. Tất cả các cô giáo đều ở lại điểm bản trong căn phòng lắp ghép với mấy chiếc giường đơn sơ.
Hôm chúng tôi đến là giữa tuần nhưng chỉ có ba cô giáo có mặt tại điểm trường. Một cô mới xin nghỉ để về nhà đưa con đi viện vì cháu sốt cao nhiều ngày. Chồng cô đi làm ăn xa, cô thì ở bản, nên con nhỏ chưa đầy hai tuổi phải ở nhà với ông bà nội.
![]() |
Đồ chơi tự chế của điểm trường |
Trò chuyện với cô Lìu Thị Dịu - một cô giáo “mới toanh” của điểm trường thì được biết, cô ra trường từ năm 2017, nhưng đến năm 2024 mới thi tuyển được vào ngành. Ở trường mầm non Tủa Sín Chải, cô được bố trí vào cắm bản ở điểm trường Phi Én.
Mặc dù bản thân là người bản địa ở Lai Châu (người dân tộc Giáy) nhưng cô Dịu chưa bao giờ nghĩ có những điểm trường xa và khó như thế. Lần đầu vào điểm trường, cô phải hỏi đường đến cả chục lần mới đến được. Đến rồi nhìn điểm trường, nhìn các em học sinh tự dưng òa khóc.
“Mới đi làm xa, em nhớ nhà, nhớ con nhiều lắm. Ở đây sóng yếu, mạng kém muốn gọi điện để nhìn thấy chồng, con phải tìm điểm rơi của 4G, gọi được nhưng cũng phập phù câu được, câu không. Vì cắm bản ít về nhà nên con cái cũng không gần và tình cảm, không bằng ở cạnh thường xuyên được, những lúc như thế nghỉ cũng tủi thân chỉ biết khóc thôi...”, cô Dịu chia sẻ.
![]() |
Nơi ăn nghỉ tạm được xem là phòng công vụ của các cô giáo mầm non tại điểm trường |
Cũng “mới toanh” như cô Dịu là cô Hoàng Thị Huyền, ra trường từ năm 2012, chật vật làm thêm, dạy học hợp đồng ở quê (tỉnh Yên Bái) mà vẫn không ổn định được công việc nên quyết tâm lên vùng khó Sìn Hồ lập nghiệp.
Khi trúng tuyển vào năm 2023, cô hào hứng cùng chồng và con lên Tủa Sín Chải nhận việc. Biết rằng ở đây sẽ khó khăn, nhưng cô Huyền không tưởng được ở điểm bản lại khó khăn đến vậy. Một bản với sáu điểm dân cư ở cách nhau 4 đến 5km.
![]() |
Bếp nấu tạm nơi của bốn cô giáo mầm non cũng là nơi phục vụ bữa trưa cho 75 học sinh |
Cô Huyền chia sẻ: Lúc trúng tuyển, mình cùng chồng con lên Tủa Sín Chải. Nghĩ có thể thuê nhà, chồng tìm việc ở trung tâm xã để gần gũi chăm con. Nhưng rồi khi đi cắm bản, mùa khô có thể một tuần về nhà được một lần, còn mùa mưa thì cả tháng.
Nghề sửa điện nước của chồng ở trung tâm xã cũng không có việc nên phải chuyển xuống thành phố Lai Châu tìm việc. Mình cắm bản, chồng ở xa, thế là con nhỏ cũng phải theo bố về thành phố, đứa lớn phải gửi về nhờ ông bà ở quê. Giờ mình chỉ hy vọng đường đi lại thuận tiện cả vào mùa mưa để hằng tuần có thể về được với con.
Cô Lù Thị Xe, học mầm non tại Cao đẳng cộng đồng Lai Châu, ra trường năm 2017 cô được nhận công tác vào vùng Tủa Sín Chải. Từ đó đến nay, cô đã cắm ở hầu hết các bản khó của xã. Đi bộ có, đi xe có, ngã gãy chân vì đường đi khó cũng có.
Cô từng cắm tại bản Thà Giàng Phô, cách trung tâm 7km đường rừng, phải đi bộ ba tiếng đồng hồ mới tới. Sau đó chuyển sang bản Thành Chử, mùa mưa đi bộ sáu tiếng. Giờ cô cắm bản tại Phi Én, nơi có thể đi xe máy, đã đỡ vất vả hơn.
![]() |
Ngoài dạy học cả ngày các cô giáo còn phải chuẩn bị, phục vụ ăn trưa cho 75 học sinh - gánh nặng có phần quá sức |
Hoàn cảnh của cô Xe càng éo le khi gần năm năm lấy chồng nhưng chưa có con. Hai vợ chồng công tác xa nhau, cô ở Sìn Hồ còn chồng là lính biên phòng đóng ở Pa Ủ (huyện Mường Tè), cách hơn 200km. Sau này, chồng chuyển về Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) gần hơn, Ban giám hiệu tạo điều kiện cho cô dạy tại trung tâm một năm để cô có thời gian về nhà với chồng.
Sau bao nhiêu cố gắng vợ chồng cô Xe cũng có tin vui. Thế nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi đi kiểm tra bác sĩ bảo cô mang thai ngoài dạ con, em bé không giữ được. Sau lần mừng hụt đó, qua thăm khám, bác sĩ bảo giờ muốn có con phải can thiệp y học. Cô tâm sự: “Không có con buồn lắm anh ạ. Nhiều lúc nhìn học sinh lại tủi thân, nếu thuận lợi thì giờ con mình cũng lớn bằng bọn trẻ này rồi”.
Clip gian nan đường gieo chữ của giáo viên cắm bản ở Tủa Sín Chải |
Thầy Lò Văn Quý, giáo viên Trường tiểu học Tủa Sín Chải, đã có 7 năm cắm bản nhận định: Cắm bản, giáo viên nam đã vất, giáo viên mầm non - chủ yếu là nữ càng vất vả hơn. Các cô vừa dạy học, vừa nấu ăn cho trẻ. Nhiều điểm trường thiếu giáo viên, một cô trông cả lớp ghép 30 cháu từ 2 đến 5 tuổi".
Quá trình cắm bản thầy Quý cũng đã chứng kiến rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của những giáo viên nữ cắm bản, nhất là những cô giáo từ xuôi lên. Chồng đưa vợ lên nhận việc, động viên vợ ở lại công tác tốt, rồi lặng lẽ quay về quê lo cho con. Xa nhau lâu ngày, tình cảm cũng nhạt dần, rồi chia tay trong tiếc nuối.
Mặc dù khi được hỏi về thu nhập, đa phần các thầy cô chỉ cười gượng: “Cũng đủ sống thôi ạ.” Nhưng sau những nụ cười ấy là bao nhọc nhằn, hy sinh thầm lặng mà chỉ những người thực sự yêu nghề mới có thể vượt qua để bám lớp, bám trẻ.