Dự án Hoa Lư Legacy do Hợp tác xã Sinh Dược khởi xướng đã lựa chọn hành trình quay về quá khứ, chắt lọc tinh hoa từ những triều đại đầu tiên của nước Việt để phục dựng, phát triển cổ phục Việt, bắc nhịp cầu nối đưa di sản đến gần hơn với đời sống hôm nay.
![]() |
Không gian Hoa Lư Legacy những buổi đầu thành lập. |
Tương truyền, bà Nguyễn Thị Sen - vợ của vua Đinh Tiên Hoàng - được coi là bà tổ của nghề may. Từ mảnh đất Hoa Lư xưa, nghề may và nghệ thuật chế tác trang phục cung đình từng được hình thành và phát triển, song, theo thời gian, các tư liệu, mẫu vật và kỹ thuật của những thời kỳ đầu như triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần... dần rơi vào quên lãng, chỉ còn lại những mảnh ghép rời rạc trong di chỉ khảo cổ, những ngôi đình, ngôi đền rêu phong, hoặc trong ký ức truyền miệng của người dân địa phương.
![]() |
Mẫu trâm gợi nhớ tới lịch sử các triều đại. |
Với mong muốn bảo tồn, đưa cổ phục trở lại đời sống đương đại, Hợp tác xã Sinh Dược với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học đã có hành trình tìm hiểu, phục dựng và phỏng dựng lại các bộ trang phục truyền thống từ những nguồn tư liệu quý giá: các tài liệu nghiên cứu, sách cổ, hiện vật khảo cổ, hoa văn kiến trúc tại các di tích lịch sử, và cả những câu chuyện dân gian.
![]() |
Tinh hoa cổ phục Việt đã có sự tiếp biến, sáng tạo theo nhịp thời gian. |
Bên cạnh phục dựng, sự sáng tạo cũng được phát huy để cổ phục trở thành một phần sống động trong đời sống hôm nay: từ "phototour" cổ phục tại các di sản Ninh Bình cho đến các sản phẩm thời trang ứng dụng hiện đại mang phong cách truyền thống hay tư vấn, cung cấp giải pháp cổ phục cho các lễ hội truyền thống.
Điểm nhấn trong dự án Hoa Lư Legacy chính là sự kết hợp giữa cổ truyền và đương đại. Từng hoa văn, đường nét, kiểu dáng xưa được chắt lọc và ứng dụng tinh tế vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phụ kiện và trang phục hiện đại, từ đó mở ra hướng đi mới cho ngành thời trang Việt, vừa giàu bản sắc, vừa gần gũi với giới trẻ.
![]() |
Áo Nhật Bình ngày nay được các bạn trẻ sáng tạo rất đa dạng. |
Bên cạnh đó, các sản phẩm và hoạt động của Hoa Lư Legacy còn góp phần phát triển du lịch văn hóa tại Ninh Bình - vùng đất cố đô - khi du khách có thể khoác lên mình những bộ cổ phục, hóa thân thành nhân vật lịch sử, trải nghiệm không gian xưa qua ống kính, qua lễ hội, qua từng chi tiết tỉ mỉ được tái hiện sống động.
Dự án có sự góp mặt của đội ngũ những người trẻ đầy tâm huyết với văn hóa truyền thống, luôn trăn trở với câu hỏi: Làm sao để người Việt hiểu và tự hào hơn về di sản của chính mình?
Từ câu hỏi ấy, họ đã trải nghiệm, tâm huyết với hành trình giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi tác phẩm họ tạo nên đã vang lên một câu chuyện, một lát cắt lịch sử được gói ghém bằng tình yêu văn hóa sâu sắc và khát vọng gìn giữ di sản.
![]() |
Dự án về cổ phục đã có nhiều đóng góp trong các sự kiện, hoạt động về văn hóa của Ninh Bình nói riêng và đất nước nói chung. |
Thí dụ, cây trâm "Uyên ương" hay còn gọi trìu mến là "Trâm con vịt" lấy cảm hứng từ hình ảnh chim nước trên ngói ống tại các kiến trúc cổ ở cố đô.
Cây trâm ấy tái hiện một họa tiết cổ, đồng thời gửi gắm cả hồn cốt của đời sống người Việt xưa - nơi thiên nhiên, kiến trúc và tín ngưỡng hòa quyện trong từng đường nét. Đó là sự hồi sinh nhẹ nhàng của những biểu tượng tưởng chừng đã chìm vào quên lãng, nhưng lại mang trong mình sự sống mãnh liệt của một nền văn hóa gắn bó mật thiết với sông nước, thủy cầm và lối sống thuần nông.
![]() |
Trâm "Uyên ương" được rất nhiều người ưa chuộng. |
Cũng từ nguồn cảm hứng ấy, "Trâm hoa sen" được ra đời như một lời tri ân với biểu tượng thiêng liêng trong mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Được phỏng tác từ hoa văn sen thời Trần và Lê Sơ - những triều đại rực rỡ của văn hóa Đại Việt, sản phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tinh khiết và ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Hoa sen - hiện thân của từ bi, bất nhiễm và kiên cường - khi được khắc họa trên trâm cài không chỉ là điểm nhấn thẩm mỹ, mà còn là lời nhắc nhở dịu dàng về cốt cách thanh cao của người xưa.
![]() |
Trâm Hoa sen được phỏng tác theo mẫu hoa văn trên các di tích lịch sử có niên đại thời Trần và Lê sơ. |
Hoa Lư Legacy còn phục dựng nhiều mẫu lễ phục, trong đó nổi bật là lễ phục của hoàng đế thời Lý, Trần với sự chính xác trong từng chi tiết: từ mũ miện với đủ 12 dây lưu và 12 viên ngọc biểu trưng cho thiên mệnh, đến áo cổn có đủ 12 chương nhằm tái hiện đầy đủ uy nghi và tư tưởng "nội đế ngoại vương" của các triều đại Việt. Trang phục góp phần phục dựng lại ký ức triều đại vừa là lời khẳng định tinh thần độc lập, bản sắc đế vương.
![]() |
Cổ phục được phục dựng và xuất hiện trong nhiều sự kiện quy mô. |
Cuối tháng 4/2025, trang phục hoàng hậu nhà Đinh được Hoa Lư Legacy phục dựng tinh xảo đã xuất hiện trong chương trình quy mô "Gấm vóc Hoa Lư". Bên cạnh giá trị trình diễn, đó thực sự đã mang đến cuộc trở về, một cuộc đối thoại thầm lặng giữa hiện tại và quá khứ.
Hơi thở lịch sử hòa quyện với ánh mắt say mê của khán giả, với lòng tự hào âm ỉ nơi trái tim những người trẻ đang chung tay gìn giữ hồn Việt.
![]() |
Cổ phục tạo điểm nhấn trong hành trình quảng bá du lịch Ninh Bình. |
Phía sau mỗi sản phẩm là cả một hành trình công phu, tỉ mỉ và đầy tâm huyết mà đội ngũ đã kiên trì theo đuổi. Từ những tư liệu khảo cổ, hoa văn trên di tích, sách cổ hay truyền thuyết dân gian, các thành viên bắt đầu bằng việc nghiên cứu chuyên sâu để hiểu rõ bối cảnh văn hóa, biểu tượng và kỹ thuật chế tác xưa. Tiếp đó là quá trình phác thảo, lên bản thiết kế 3D để hình dung hình khối, độ tương phản và tính ứng dụng.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, thử nghiệm và góp ý từ các chuyên gia, bản mẫu được tạo ra, có thể lại trải qua nhiều lần điều chỉnh trước khi sản phẩm chính thức ra đời.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn trọng, tinh tế và lòng kiên nhẫn, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm mất đi tinh thần nguyên bản của cổ vật - điều mà đội ngũ luôn đặt lên hàng đầu trong quá trình phục dựng di sản.
![]() |
Vẻ đẹp của người phụ nữ trong trang phục áo tứ thân tại chùa Bích Động, Ninh Bình. |
Nếu không có đam mê sâu sắc với văn hoá truyền thống, chắc chắn đội ngũ sáng tạo đã không thể đi đến cùng hành trình đầy gian nan ấy. Riêng việc phục dựng cổ phục và hoa văn xưa đã là cả quá trình đối diện với vô vàn khó khăn: thiếu tư liệu gốc, sai lệch qua truyền miệng, kỹ thuật chế tác thất truyền và cả sự hoài nghi từ xã hội hiện đại.
Theo chia sẻ từ đội ngũ sáng tạo, có những thời điểm họ mất rất nhiều thời gian, công sức chỉ để nghiên cứu một chi tiết hoa văn đã mờ theo năm tháng hay nhiều lần chỉnh sửa không ngừng một bản thiết kế chỉ vì chưa "chạm đúng hồn xưa". Nếu không thực sự yêu, không đau đáu với câu hỏi "liệu có thể làm sống lại được những tinh hoa ấy không?" thì có lẽ không ai đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng.
![]() |
Sản phẩm được chế tác rất tỉ mỉ, công phu. |
Niềm đam mê chính là ngọn lửa âm ỉ nhưng mạnh mẽ, dẫn lối cho chúng tôi bền bỉ vượt qua từng trở ngại, từng lớp bụi mờ của thời gian, để từng sản phẩm ra đời không chỉ đẹp, mà còn sống động và chân thực với lịch sử.
Khi ở đâu đó, những giá trị xưa đang dần bị lãng quên, những dự án ý nghĩa như Hoa Lư Legacy đã lựa chọn bước ngược dòng, quay về với cội nguồn, nâng niu từng dấu tích nhỏ bé còn sót lại của lịch sử để làm sống dậy một phần tinh hoa văn hóa Việt.
Mỗi sản phẩm, tác phẩm là thành quả lao động nghệ thuật, cũng là lời tri ân của thế hệ hôm nay gửi đến lịch sử, đến người xưa đã tạo nên một nền văn hiến đáng tự hào.
Họ khiến cho nhiều người tin rằng, khi quá khứ được thấu hiểu, gìn giữ bằng cả tâm hồn, khát vọng thì di sản sẽ tiếp tục lan tỏa sức sống, truyền cảm hứng cho hiện tại và tương lai. Và trong hành trình ấy, họ đang vừa cần mẫn làm nghề, vừa viết tiếp một chương mới cho bản sắc Việt.