1/ 15 đình làng được giới thiệu trong tập 1 (NXB Văn hóa dân tộc) là những ngôi đình tiêu biểu của miền bắc, thể hiện qua những tư liệu, ảnh chụp, bản vẽ, bài khảo cứu..., cung cấp cho bạn đọc những thông tin cụ thể, trực quan, đáng tin cậy về mặt khoa học. Hiếm có cuốn sách nào giới thiệu về đình làng Việt một cách đầy đủ cùng với những kiến giải nhìn nhận tổng quát như thế.
Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, đồng chủ biên cuốn sách, từ lúc ra ý tưởng đến lúc in sách, thời gian không dài. Công việc chụp ảnh, tìm lại, hệ thống tư liệu được thực hiện khá khẩn trương. Mỗi ngôi đình chỉ có khoảng một ngày để khảo sát lại. TS Kiên cũng cho hay trong tương lai, Viện sẽ cố gắng lần lượt đưa đầy đủ các tư liệu đình từ bắc - trung - nam: “Mục tiêu của loạt sách này là lần lượt giới thiệu các di tích mà Viện Bảo tồn đã nghiên cứu, trùng tu từ trước đến giờ. Đó là tư liệu gốc cung cấp cho nhiều ngành. Có thể là người có chuyên môn, hoặc có thể là một người yêu di sản đọc và thấy được tài hoa của ông cha thì cũng là điều đáng mừng”.
2/ Cuốn sách, hơn cả tư liệu khảo cứu, còn là những hình ảnh đẹp đẽ và đầy đủ hiếm hoi về hình ảnh “hiện thân cho vẻ đẹp chất phác và dung dị của nền kiến trúc gỗ cổ truyền Việt” - như lời GS Hoàng Đạo Kính: “Không thể nào giữ lại cho mai sau hàng ngàn ngôi đình, cũng không thể nào bảo tồn và trùng tu nhiều trăm ngôi đình, dù chúng ta có nỗ lực đến đâu. Điều duy nhất mà ta đủ sức và đủ thời gian làm đó là ghi chép, vẽ, chụp lại xây dựng quỹ tư liệu khoa học, có cơ may lưu lại muôn đời”.
Trong những ngôi đình làng mà cuốn sách giới thiệu, có thể thấy hình ảnh những tác phẩm điêu khắc giá trị với nhiều đề tài mang tính dân gian, phản ánh đời sống xã hội của người dân đương thời trên các bức chạm khắc đình Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ); hay đình Hoàng Xá (Ứng Hòa, Hà Nội)..., vốn được giới nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghiên cứu - đối sánh của nghệ thuật điêu khắc. Hoặc ở đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), các ván Gió của hệ thống Đại Đình được chạm khắc phong phú đến mức nhiều người quên mất công năng kiến trúc của chúng. Với những kiến trúc hiện còn, đình Tây Đằng cung cấp những tư liệu vật chất quý báu về lịch sử kiến trúc truyền thống, chứng minh các đình làng có niên đại sớm chỉ có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất, tức là chỉ có duy nhất một kiến trúc mà về sau được gọi là Đại Đình.
![]() |
Kiến trúc đình Chu Quyến in trong sách Kiến trúc đình làng Việt.
TS Nguyễn Hồng Kiên cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi trong quá trình thực địa và chụp ảnh trước khi làm cuốn sách, nhiều kiến trúc đình đã bị thay đổi vì nhiều lý do, thậm chí có nhiều kiến trúc chỉ còn lại trên những trang sách. Chẳng hạn như đình Thụy Phiêu (xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) mới tu sửa có tình trạng kỹ thuật khá tốt. Nhiều mảng chạm cổ đã được/bị thay đổi khá tùy tiện. Hay đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có chi tiết bị lắp sai lại vị trí như tấm ván Nong ở vì Nách có khắc dòng chữ “Tuế thứ Bính Tý, mạnh Xuân, tân tạo” vốn ở dưới mảng chạm có phong cách nghệ thuật thời Mạc, nay đã bị dịch chuyển sang bên cạnh. Điều đặc biệt rất khó chấp nhận là hai chữ “Sùng Khang” - một căn cứ xác định niên đại khởi dựng cụ thể của đình Lỗ Hạnh hiện đã biến mất sau lần trùng tu gần đây nhất. Còn đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam) trong đợt trùng tu năm 2009-2012, dù được bảo tồn khá tốt các yếu tố gốc, nhưng đáng tiếc là ba chân tảng đá thế kỷ 17 do bất cẩn đã bị vỡ.