Từ đau thương thắp lên hy vọng

Đẹp và buồn, thăm thẳm và dữ dội. Trường ca “Lũ” của nhà thơ Lữ Mai (NXB Hội nhà văn) là bức tranh hiện thực huyền ảo đầy gợi mở nhưng chân thực.
0:00 / 0:00
0:00
Từ đau thương thắp lên hy vọng

Bức tranh miền núi với vẻ đẹp đằm sâu của văn hóa, phong tục, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người được nhà thơ khắc họa qua những câu thơ giàu thi ảnh. Cơn lũ lịch sử đi qua nhưng nỗi đau thì mãi đọng lại đó. Trường ca “Lũ” tiếp cận/tiếp nhận thực tế ấy, diễn giải nó và mở ra những lối đi…

Với 9 chương được kết cấu chặt chẽ, trường ca Lũ tiếp nối mạch trường ca của Lữ Mai viết về những đề tài mang tính thời cuộc. Trước sự nổi giận của thiên nhiên, trước những thiên tai mà con người phải gánh chịu những nỗi đau quá lớn, trường ca “Lũ” đã mổ xẻ câu chuyện của con người và thiên nhiên: “Các ngươi sẽ phải trở thành một phần của đất/sống đau thương bằng những gì đã mất”.

Lữ Mai khéo léo trong từng câu chuyện, từng hình ảnh, từng mạch cảm xúc. Nhưng trên tất cả có lẽ bởi chị đã tắm mình vào bối cảnh để từ đó viết nên những câu thơ khúc triết và lay động: “người già nhủ người phải như chum cũ/chứa đựng mọi vết nứt của mình”.

Vừa xuyên suốt bởi trường cảm xúc mạnh mẽ, vừa phân mảnh bởi những câu chuyện như giấc mơ, khoảnh khắc…, trường ca “Lũ” mang đến cho bạn đọc cái nhìn bao quát về nỗi đau, không chỉ của con người. Nhưng không dừng lại ở sự bao quát, thế mạnh của nhà thơ Lữ Mai là cách chị đưa ra, gọi tên được những hình ảnh bé nhỏ một cách cụ thể và sinh động, những chi tiết đẹp đến thắt lòng: “Đứa trẻ ngồi vẽ núi/đá cười rung vai”.

Trường ca “Lũ” của nhà thơ Lữ Mai ra đời không chỉ đồng cảm, sẻ chia mà còn đào sâu truy nguyên thiên tai bằng sự quyết liệt và trực diện nhất. Giấc mơ của đứa trẻ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ nhưng giấc mơ đó không bị chôn vùi mà sẽ nảy nở lên niềm hy vọng về một thế giới không có chặt phá rừng, không có tàn sát thiên nhiên, không có thiên tai lũ lụt để không có sự chia lìa cắt ruột…