Thi ca hoằng dương Phật pháp

Công trình “Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam” vừa được Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) phối hợp NXB Hội Nhà văn ấn hành đúng mùa Phật đản năm nay - Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chào đón nhân loại bước sang Phật lịch 2569.
0:00 / 0:00
0:00
Thi ca hoằng dương Phật pháp

Đây là tuyển tập thơ do PGS, TS Hoàng Kim Ngọc (giảng viên Trường đại học Thăng Long) sưu tầm và tuyển chọn gồm 108 tác giả với hơn 400 tác phẩm, sách in khổ lớn dày 704 trang.

Công trình tập hợp các thi phẩm đương đại mang tinh thần Phật giáo được sáng tác từ năm Đổi mới (1986) cho đến gần đây. Cùng với đó, ngay phần mở đầu sách, PGS, TS Hoàng Kim Ngọc trong bài tiểu luận dày dặn của mình đã giúp bạn đọc hình dung khái quát qua những phân tích và dẫn chứng các tác phẩm tiêu biểu mang hình ảnh, tinh thần Phật giáo. Đồng thời, nhà sưu tầm và tuyển chọn cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả, công phu cho công trình đồ sộ này đến tay bạn đọc. Từ đó giúp bạn đọc nắm biết suốt 40 năm đương đại này, thi ca đã góp phần hoằng pháp, xiển dương Phật giáo ra sao.

Tâm thế thiền, cảm giác an nhiên của các nhà thơ được thể hiện qua các bài thơ khác nhau. Thông qua những tác phẩm được chọn lọc lần này, để thấy rõ hơn một Bùi Giáng ảo diệu, một Trần Đăng Khoa hóm hỉnh, một Trương Đăng Dung triết luận, một Nguyễn Khoa Điềm suy tư, một Nguyễn Quang Thiều suy tưởng, một Hữu Thỉnh điềm tĩnh, một Nguyễn Chu Nhạc hồn hậu, một Phan Hoàng lòng thành, một Nguyễn Thánh Ngã lập thể, một Nguyễn Thành Phong buông xả, một Trần Lê Khánh vô ngã, một Như Bình hành thiền, một Vũ Bình Lục thiền định, một Quang Hoài ủ men, một Trang Thanh thinh lặng, một Mai Thìn thiên lương, một Hồng Thanh Quang giác ngộ,…

Qua tuyển tập thơ, người tuyển chọn cũng cho thấy, các biểu tượng, triết lý Phật giáo và tinh thần thiền, quan niệm “hiện pháp lạc trú” đã được nhiều tác giả thơ Việt Nam đương đại thể hiện qua tác phẩm trong suốt một thời kỳ từ 1986 đến nay. Cách thực hành thiền (tìm thấy niềm vui vẻ đẹp của thiên nhiên, lạc quan trước hiện thực nghiệt ngã, coi cái chết nhẹ nhàng, biết rũ bỏ vô minh chấp ngã, quên đi thù hận, sống trong sạch, biết tự cứu mình, sống hết mình trong hiện tại, có tinh thần từ bi giúp đỡ mọi người...) là cách sống tích cực, khiến cho thân tâm an lạc, hạnh phúc, không mắc những sai lầm do tham sân si tạo ra, thức tỉnh những hạt giống tốt đẹp, chuyển hóa khổ đau bất thiện thành hạnh phúc an vui.

Cuối cùng, “Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam” mang lại, như nhà nghiên cứu Hoàng Kim Ngọc khái quát, là để tổng hợp được phần nào những tác phẩm có dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam (của các nhà thơ không xuất gia) ở mọi vùng miền với các phong cách sáng tác khác nhau. Qua đó, giúp người đọc tiếp cận giáo lý nhà Phật một cách dễ dàng hơn, thú vị hơn thông qua ngôn ngữ thơ ca và nó cũng là một nguồn tư liệu cho những ai nghiên cứu mảng thơ thiền đương đại.