Giúp doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Thái Lan

Thời gian qua, Thái Lan luôn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan sản phẩm trưng bày tại showroom Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh.
Khách tham quan sản phẩm trưng bày tại showroom Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận thương mại, nhất là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Những hiệp định này không chỉ giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và mở rộng thị trường sang các quốc gia thứ ba.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mới đây, Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Quan hệ kinh tế Việt Nam-Thái Lan không chỉ mang tính song phương mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc củng cố sự thịnh vượng chung của khu vực ASEAN.

Theo thống kê, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 6,36% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 7,81 tỷ USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và nông sản (trái cây tươi, thủy sản, cà-phê...). Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan đạt 12,45 tỷ USD, với các nhóm hàng chính như máy móc thiết bị, ô-tô nguyên chiếc, linh kiện điện tử và hàng điện tử gia dụng. Quý I/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam- Thái Lan đạt 5,17 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2024. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, quan hệ thương mại với Thái Lan ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Thái Lan hiện là một trong những đối tác quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch. Các sản phẩm xuất khẩu nổi bật của thành phố sang Thái Lan bao gồm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, hàng công nghiệp.

Cũng theo bà Hồ Thị Quyên, Thái Lan không chỉ là đối tác thương mại truyền thống mà còn là cửa ngõ kết nối nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Năm 2025 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Hai nước đã cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD, hướng tới sự cân bằng và bền vững hơn. Đặc biệt, chiến lược “ba kết nối” giữa hai nước đang được triển khai mạnh mẽ, đó là: Kết nối chuỗi cung ứng (tăng cường hợp tác trong sản xuất và phân phối hàng hóa); kết nối các ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp (thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực và doanh nghiệp hai nước); kết nối các chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững (hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững).

Thị trường Thái Lan mang đến nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng không ít thách thức. Thái Lan với dân số hơn 70 triệu người và sức mua ngày càng tăng, là một điểm đến đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, doanh nghiệp Việt cần vượt qua các thách thức khi xuất khẩu sang Thái Lan. Cụ thể là các thách thức về rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn, cạnh tranh với sản phẩm nội địa Thái lan; về chất lượng, bao bì và khả năng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đặc thù của người Thái… Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cập nhật kiến thức thị trường, chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững và mở rộng hợp tác quốc tế. Đây được xem là cách tiếp cận giúp doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường Thái Lan, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, từ năm 2016, thông qua sự kiện thường niên “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan”, Central Retail đã hợp tác với Bộ Công thương và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh để tạo nền tảng cho gần 500 doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Thái Lan, tăng cường cơ hội xuất khẩu. Sự kiện không chỉ giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Thái Lan thông qua hệ thống phân phối lớn mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và sản phẩm Việt Nam nói chung, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo các chuyên gia, quy trình nhập khẩu vào Thái Lan bao gồm các bước chính như tạo tài khoản trên hệ thống hải quan trực tuyến, xác minh sự tuân thủ của sản phẩm, khai báo và kiểm tra, thanh toán thuế và cuối cùng là kiểm tra, thông quan hàng hóa. Để xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp cần chú trọng đến bao bì hấp dẫn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ quy định về nhãn mác và hướng đến phát triển xanh. Giá bán sản phẩm phải hợp lý, kết hợp với các chương trình khuyến mãi theo mùa. Đồng thời, việc cung cấp thông tin rõ ràng và làm nổi bật điểm mạnh của sản phẩm là rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng Thái Lan. Hiện, các mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường Thái Lan bao gồm hải sản, khoai lang, thanh long, cà-phê, nước sốt, gia vị.