Quý I/2025, kinh tế quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đạt hơn 13.071 tỷ đồng, bằng 50,55% dự toán năm. Kết quả này là đáng ghi nhận khi quận đang cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nổi bật là mở rộng không gian khu vực Hồ Gươm và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Tinh thần chủ động, quyết liệt là dấu ấn xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị của Hà Nội thời gian qua. Thành phố gương mẫu đi đầu trong việc đưa các nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống với những cách làm vừa chủ động, quyết liệt nhưng cũng hết sức sáng tạo.
Theo Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, Đảng bộ Hà Nội xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và dân chủ ở cơ sở, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cho đến thời điểm này, việc sắp xếp đơn vị hành chính của chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện triệt để chỉ đạo của Trung ương khi giảm đến 76% số xã, phường sau sắp xếp, dẫn đầu cả nước (từ 526 xã, phường, thị trấn hiện nay, giảm còn 126 xã, phường mới sau sắp xếp).
Quá trình triển khai, thành phố đã bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Trung ương và thực tế của địa phương, đó là: Hà Nội là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; là nơi lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử của dân tộc với nhiều đặc thù liên quan tới phương hướng phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Những yếu tố đó đã được tính toán kỹ lưỡng, khách quan, khoa học để bảo đảm đơn vị hành chính xã, phường sau khi được thành lập sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân; đồng thời mở ra không gian phát triển mới, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp sau sắp xếp”.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, thành phố đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, người dân đã thật sự được đặt vào vị trí chủ thể.
Các cán bộ trong hệ thống chính trị đều vào cuộc trách nhiệm. Thành phố cũng dự báo được các yếu tố tác động và có những giải pháp chủ động đi trước một bước, tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Cùng với việc gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ chính trị lớn của Trung ương đề ra, thành phố chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.
Ngay trong quý I/2025, dù khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt kết quả cao. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ba tháng đầu năm 2025 tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 250.120 tỷ đồng (đạt 49,5% dự toán, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024); GRDP quý I/2025 tăng 7,35% (cao hơn chỉ tiêu cùng kỳ 5,44% và cao hơn kịch bản đề ra đầu năm là 7,21%).
Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội hướng tới tăng trưởng GRDP 8% trở lên năm 2025 và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, mục tiêu này đầy thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi nếu tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt với nỗ lực không ngừng.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ có những chương trình, kế hoạch cụ thể, toàn diện trên các mặt công tác để triển khai hiệu quả những định hướng chiến lược, góp phần quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong đó, thành phố tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Quyết định số 204-QĐ/TW ngày 29/11/2024 của Ban Bí thư Trung ương về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng.
Ngày 3/3/2025, Thành ủy Hà Nội đã công bố các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung cho cả hệ thống chính trị, tạo khí thế mới trong công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển kỹ năng số cho người dân, xây dựng xã hội số, xã hội thông minh... với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh, tiên phong về chuyển đổi số, phát triển bền vững trong nước và khu vực.