Hải Dương khơi nguồn tự hào từ giáo dục nghề truyền thống

Trong dòng chảy không ngừng của đời sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn âm thầm tồn tại, như mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người Việt Nam. Tại Hải Dương, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, hành trình giữ gìn và phát huy các nghề thủ công truyền thống đang được tiếp nối bằng một phương thức mang ý nghĩa sâu sắc - giáo dục nghề truyền thống trong trường học.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường mầm non Thanh Bình trải nghiệm giã bánh dày.
Học sinh Trường mầm non Thanh Bình trải nghiệm giã bánh dày.

Nghề xưa dậy sóng sân trường

Trường mầm non Thanh Bình và Trường tiểu học Thanh Bình (thành phố Hải Dương) vừa phối hợp tổ chức “Ngày hội trải nghiệm nghề truyền thống Hải Dương” với sự tham gia hào hứng của hàng nghìn học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo. Trong không khí sôi động, rộn rã sân trường, các em nhỏ đã có cơ hội tìm hiểu, trực tiếp tham gia vào những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: Làm gốm Chu Đậu, nặn bánh đậu xanh, gói bánh gai Ninh Giang, nấu cốm An Châu, làm bánh đa Lộ Cương…

Tại sân trường, hàng chục gian hàng nhỏ dựng bằng tre nứa mộc mạc, bày biện các sản phẩm truyền thống: Bình gốm Chu Đậu mộc mạc, bánh đậu xanh thơm ngậy, bánh gai Ninh Giang đượm mùi lá gai quê nhà, cốm An Châu ngọt ngào hương nếp mới, những chiếc bánh đa Lộ Cương vàng ruộm…

Trong những gian hàng ấy, các em học sinh được những nghệ nhân làng nghề hướng dẫn từng thao tác: Nặn gốm, giã đậu, gói bánh, tráng bánh đa, sàng sảy, gói cốm bằng lá sen… Từ ánh mắt say mê, bàn tay vụng về nhưng đầy nỗ lực, có thể cảm nhận được niềm hứng khởi chân thành trong mỗi đứa trẻ.

Không chỉ dừng lại ở nghề truyền thống, nhà trường còn tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu đất, bắt chạch trong chum, ô ăn quan, đánh chuyền, nặn tò he… tạo nên một bầu không khí đậm đà bản sắc quê hương. Tiếng cười rộn vang, những vòng tay nắm chặt trong trò chơi xưa cũ như kéo gần khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và thế hệ hôm nay.

Cô Phạm Thị Vân Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình, tâm sự: "Chúng tôi mong muốn mỗi ngày đến trường là một hành trình trải nghiệm, kết nối với những giá trị truyền thống. Hoạt động giáo dục nghề truyền thống gắn với giáo dục lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, phát triển toàn diện, mà còn bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc từ những điều giản dị nhất".

Theo cô Hà, để tổ chức được những ngày hội trải nghiệm như vậy, nhà trường đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Phát triển giáo dục Phoenix Việt Nam, các cơ sở sản xuất truyền thống, các nghệ nhân làng nghề, đồng thời huy động sự tham gia nhiệt tình từ phía phụ huynh và cộng đồng. Mọi hoạt động đều được thiết kế dựa trên nguyên tắc “học mà chơi, chơi mà học”, bảo đảm an toàn, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Nhiều trường mầm non, tiểu học khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng đã và đang tích cực triển khai hoạt động giáo dục nghề truyền thống, bước đầu nhận được những tín hiệu tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và xã hội.

Chị Phạm Thanh Hường - phụ huynh cháu Phạm Khôi Nguyên, học sinh lớp 5M Trường tiểu học Thanh Bình tươi cười chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi thấy con mình hào hứng với hoạt động học tập đến thế. Bình thường cháu chỉ biết gốm, bánh qua sách vở, giờ được tận tay nặn gốm, gói bánh, cháu mới hiểu được sự khéo léo, kỳ công của các nghề truyền thống. Tôi tin rằng những trải nghiệm thế này sẽ là ký ức đẹp, theo cháu cùng năm tháng".

Chị Hường cũng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như vũ bão, nhiều trò chơi trên mạng nếu không được kiểm duyệt tốt rất dễ làm trẻ em “nghiện” game. Vì vậy, việc đưa trẻ em trở về với những giá trị truyền thống là vô cùng cần thiết để cân bằng lại, tránh xa sự xô bồ, thực dụng của đời sống hiện đại.

Cháu Nguyễn Thảo Nhi (học sinh lớp 4I) cho rằng trải nghiệm nghề truyền thống là một hành trình khám phá bản thân. Ban đầu cháu không nghĩ mình có thể nặn được một chiếc bình gốm, nhưng nghệ nhân làng nghề đã nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo cháu từng động tác. Cháu rất tự hào khi tự tay hoàn thành sản phẩm và hiểu rằng nghề nào cũng cần kiên trì và tâm huyết.

Khẳng định giá trị văn hóa trong hoạt động trải nghiệm

Có mặt tại nhiều buổi trải nghiệm của học sinh trong các nhà trường, bà Hoàng Thị Thuần, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố nhận định: “Việc tổ chức các hoạt động giáo dục nghề truyền thống không chỉ làm phong phú thêm chương trình học, mà còn mở ra cơ hội quảng bá các sản phẩm truyền thống tới thế hệ trẻ và cộng đồng. Thông qua trải nghiệm, học sinh không chỉ học kỹ năng, mà còn được truyền cảm hứng sáng tạo, hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc. Đây là bước đi cần thiết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm truyền thống như gốm Chu Đậu, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang… đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và nước ngoài. Nếu được kết nối từ sớm với thế hệ trẻ, những nghề truyền thống ấy sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nhằm nhân rộng mô hình giáo dục nghề truyền thống, thành phố Hải Dương đang từng bước triển khai các kế hoạch xây dựng “trường học gắn với làng nghề”, “mỗi trường một sản phẩm văn hóa địa phương”. Theo đó, mỗi trường sẽ lựa chọn một hoặc vài nghề truyền thống tiêu biểu để đưa vào chương trình trải nghiệm định kỳ.

Ngoài các nghề đã có như gốm Chu Đậu, bánh đậu xanh, bánh gai… trong tương lai, học sinh Hải Dương còn có cơ hội tìm hiểu thêm về nghề thêu Xuân Nẻo, nghề mộc Đông Giao, nghề rèn Đại Bái… Song song với đó, các trường học cũng sẽ đẩy mạnh việc tổ chức hội thảo, giao lưu với nghệ nhân, triển lãm sản phẩm truyền thống do học sinh thực hiện, qua đó tạo thêm động lực cho quá trình học tập và sáng tạo.

Hải Dương có những làng nghề hàng trăm năm tuổi đang thắp lên trong thế hệ trẻ một tình yêu mới hướng về những giá trị truyền thống. Bằng những hành động thiết thực hôm nay, trong tương lai, giữa những tòa cao ốc, siêu đô thị, vẫn sẽ còn đó tiếng nhịp chày giã cốm, những vòng tay nặn gốm, những tấm bánh đậu xanh nồng nàn hương vị quê hương, như minh chứng bất biến cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam .