Hai thập kỷ hình thành môi trường đào tạo phim độc lập tại Việt Nam: Hành trình tự chủ và sáng tạo

NDO - 20 năm qua, điện ảnh độc lập Việt Nam đã phát triển với sự góp mặt của nhiều trung tâm đào tạo như: TPD, Hanoi DocLab, Varan Vietnam, Gặp gỡ mùa thu… Đây là những cái nôi khơi nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư duy tự chủ, thực hành sáng tạo và nuôi dưỡng thế hệ nhà làm phim trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Khóa học đào tạo làm phim cơ bản của TPD thu hút các bạn trẻ. (Ảnh: TPD)
Khóa học đào tạo làm phim cơ bản của TPD thu hút các bạn trẻ. (Ảnh: TPD)

Không gian ươm mầm tư duy độc lập

Ra đời từ năm 2002, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) - trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam là đơn vị tiên phong trong đào tạo làm phim độc lập. Với nguyên tắc “học đi đôi với hành”, TPD tổ chức các khóa học ngắn hạn về làm phim cơ bản, biên kịch, quay phim, dựng phim, diễn xuất… cho người trẻ yêu điện ảnh. Tại đây, học viên không chỉ học lý thuyết mà trực tiếp thực hành, sản xuất phim ngắn ngay từ những buổi học đầu tiên.

Chương trình “Teen Filmmakers” do TPD phát triển dành riêng cho lứa tuổi 10 đến 18 là một trong những sáng kiến nổi bật. Không chỉ là sân chơi nghệ thuật, chương trình đã tạo nền tảng ban đầu cho nhiều gương mặt đạo diễn trẻ như Phan Huyền My, Hồ Thanh Thảo…

Những bộ phim của họ từng được trình chiếu tại các liên hoan phim trong và ngoài nước, trong đó không ít tác phẩm đạt giải tại “Búp sen vàng”- sân chơi do TPD tổ chức hai năm một lần nhằm tôn vinh những nhà làm phim không chuyên và bán chuyên xuất sắc của trung tâm.

Hai thập kỷ hình thành môi trường đào tạo phim độc lập tại Việt Nam: Hành trình tự chủ và sáng tạo ảnh 1

Sân chơi nghệ thuật dành cho các bạn trẻ. (Ảnh: TPD)

Ngoài đào tạo kỹ năng, TPD còn chủ trương tạo lập không gian giao thoa giữa các nhà làm phim trẻ và cộng đồng. Các buổi chiếu phim chuyên đề, giao lưu đạo diễn, workshop cùng nhà làm phim quốc tế đã mở rộng tầm nhìn, giúp học viên cập nhật xu hướng và hình thành tư duy làm phim độc lập mang dấu ấn cá nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, một trong những người sáng lập và điều hành TPD chia sẻ, điều quan trọng của mô hình là tạo được một hệ sinh thái bền vững, tự chủ về tài chính thông qua các khóa đào tạo, cộng đồng giảng viên, học viên, nhà tài trợ và không gian sáng tạo đồng hành.

Ra đời muộn hơn TPD, Hanoi DocLab hoạt động năm 2009 với sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội, vận hành như một xưởng sáng tạo, nơi các nhà làm phim trẻ được tự do khám phá ngôn ngữ hình ảnh và kể chuyện ngoài khung mẫu truyền thống.

Trung tâm do nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi sáng lập và điều hành trong những năm đầu tiên nhanh chóng trở thành điểm đến của cộng đồng yêu thích phim tài liệu sáng tạo và nghệ thuật video.

Một trong những hoạt động tiêu biểu của DocLab là các workshop chuyên sâu như “Tiếng gọi hình” - hướng dẫn học viên kể chuyện bằng âm thanh trước khi xây dựng hình ảnh, mở ra cách tiếp cận ngược, giàu cảm xúc trong sáng tạo điện ảnh.

Từ môi trường học tập này, nhiều nghệ sĩ trẻ như Nguyễn Phương Linh, Trương Quế Chi… đã mở rộng thực hành từ phim tài liệu sang nghệ thuật trình diễn, video art và sắp đặt, tạo nên hệ sinh thái đa ngành mang màu sắc riêng biệt. DocLab từng là đơn vị tổ chức Liên hoan phim tài liệu thử nghiệm DocFest (2009-2017) mang đến công chúng cơ hội tiếp cận với điện ảnh thể nghiệm trên toàn thế giới.

Gắn với dòng phim tài liệu trực tiếp của Pháp, Varan Vietnam bắt đầu hoạt động từ năm 2004. Trung tâm đã đào tạo được một thế hệ đạo diễn phim tài liệu có phong cách riêng biệt, tiêu biểu như Trần Phương Thảo, Hà Lệ Diễm… Varan Vietnam là mô hình đào tạo làm phim tài liệu hiếm hoi tại Việt Nam theo tinh thần “học qua làm” kế thừa truyền thống của Hiệp hội Varan Pháp.

Từ những buổi thực hành cầm máy, ghi âm, quan sát hiện thực đến khâu hậu kỳ, học viên được trải nghiệm toàn bộ quy trình làm phim một cách nghiêm túc. Điều đặc biệt là Varan chú trọng khai phá góc nhìn cá nhân và mối liên hệ giữa người làm phim với nhân vật. Chính điều này đã tạo nên một thế hệ đạo diễn tài liệu giàu chất liệu sống, nhân văn và có tiếng nói độc lập trong bối cảnh điện ảnh Việt đang định hình bản sắc riêng.

Trung tâm cũng là cầu nối để các tác phẩm tài liệu Việt Nam đến gần hơn với thế giới, thông qua các liên hoan phim, chuỗi giới thiệu phim và workshop quốc tế.

Đồng hành cùng sự phát triển của điện ảnh Việt Nam

TPD, DocLab, Varan Vietnam và một số nhóm sáng tạo độc lập khác đã góp phần tạo dựng nền móng cho điện ảnh độc lập tại Việt Nam. Mỗi trung tâm có phương pháp và hướng tiếp cận riêng nhưng cùng chia sẻ một tinh thần: nuôi dưỡng tư duy độc lập, khuyến khích thử nghiệm và tôn trọng cá tính sáng tạo.

Không nằm trong hệ thống đào tạo chính quy nhưng các trung tâm này đã hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển đội ngũ đạo diễn trẻ qua các lớp học mở, không rào cản đầu vào. Những không gian sáng tạo này đã mang đến cơ hội cho nhiều người trẻ chưa từng học qua trường lớp điện ảnh nhưng lại có đam mê và ý tưởng độc đáo. Từ đó, điện ảnh Việt đã có thêm nhiều tiếng nói mới, đa dạng về đề tài, phong cách và góc nhìn.

Hai thập kỷ hình thành môi trường đào tạo phim độc lập tại Việt Nam: Hành trình tự chủ và sáng tạo ảnh 2

Workshop chia sẻ về kỹ thuật làm phim.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh đang mở rộng với nhiều mô hình hợp tác quốc tế, các trung tâm đào tạo độc lập đã khẳng định vị thế là người bạn đồng hành không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn tạo ra môi trường để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam được thử nghiệm, phản biện và phát triển đa dạng.

Điều làm nên sự khác biệt của các trung tâm làm phim độc lập không chỉ là phương pháp đào tạo mà còn là triết lý vận hành tự chủ. Trong bối cảnh điện ảnh thương mại ngày càng lấn át với các tiêu chí phòng vé, sự hiện diện bền bỉ của các nhà làm phim độc lập cho thấy làm phim để kiến tạo đối thoại và chia sẻ nội tâm.

Điện ảnh độc lập Việt Nam hiện đang ở ngã rẽ mới, nơi mà khả năng hội nhập quốc tế, công nghệ số và truyền thông xã hội mở ra nhiều cơ hội hơn cho nhà làm phim trẻ. Tuy vậy rất cần cơ chế chính sách hỗ trợ để các không gian sáng tạo độc lập hoạt động bền vững. Cùng với sự vào cuộc của các tổ chức văn hóa, quỹ điện ảnh thì ngành văn hóa, điện ảnh cũng cần ghi nhận vai trò thiết thực của các trung tâm này trong chiến lược phát triển nhân lực, đa dạng hóa nội dung và nền điện ảnh đương đại.