Hãy cứu lấy sử thi Tây Nguyên!

Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Sử thi Tây Nguyên là di tích văn hóa cấp quốc gia. Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng bài của GS, TSKH PHAN ÐĂNG NHẬT về loại hình văn hóa đặc sắc và quý hiếm này của dân tộc.

Già làng kể Khan sử thi cho dân làng nghe.
Già làng kể Khan sử thi cho dân làng nghe.

Sử thi, sự mê hoặc và tập đại thành văn hóa

Sử thi là một giá trị văn hóa lớn của thế giới. Các-Mác đánh giá rất cao sử thi Hy Lạp, coi đó là một tiêu chuẩn, một mẫu mực. Ông viết: "Ðiều khó hiểu là ở chỗ nghệ thuật Hy Lạp, thể anh hùng ca vẫn còn cho ta một sự thỏa mãn về thẩm mỹ và về một phương diện nào đó, chúng còn được làm tiêu chuẩn, làm cái mẫu mực mà chúng ta chưa đạt tới" (Góp phần phê phán chính trị kinh tế học).

Các dân tộc có sử thi coi đây là niềm tự hào của mình, là tượng đài lịch sử của dân tộc. Người Phần Lan đã viết: "Khi làm nên sử thi Ka-lê-va-la, nhân dân Phần Lan đã làm cho mình một con đường xuyên qua núi đá cheo leo, không những chỉ tiến đến châu Âu, mà đến cả thế giới văn minh. Ka-lê-va-la sáng chói như bắc đẩu trên trời cao, kể cho nhân loại nghe về dân tộc Phần Lan" (M.J. Ây-den - 1909). (1)

Người Ấn Ðộ nói rằng: "Cái gì không có trong hai bộ sử thi Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-may-a-na thì không thể tìm thấy bất kỳ ở đâu trên đất Ấn Ðộ".

Sử thi Ðăm Xăn (Ðam San) được L.Xa-ba-chi-ê, công sứ Ðác Lắc, phát hiện và công bố năm 1927. Toàn quyền Ðông Dương P. Pa-xki-ê cho rằng: "Làm thế nào để hiểu một dân tộc có hiệu quả hơn là truyền bá các bài ca này trong đó chứa đựng tất cả đời sống xã hội, phong tục, hy vọng không thành, quá khứ huy hoàng đã trôi qua"(2). Nhà dân tộc học Công-đô-mi-nát khẳng định: "Bài thơ tuyệt đẹp đó, tác phẩm nổi tiếng hàng đầu của văn học truyền miệng của các bộ tộc sinh sống sâu trong nội địa của Trung Bộ Việt Nam, cho đến nay vẫn là một kiệt tác không phải bàn cãi"(3).

Ngoài Ðăm Xăn, nhân dân Tây Nguyên còn là chủ nhân của một kho tàng sử thi khổng lồ, của nhiều dân tộc, Mơnông, Ba Na, Xơ Ðăng,... trong đó có những tác phẩm đồ sộ.

Người Tây Nguyên đã say mê đắm đuối sử thi của mình. L.Xa-ba-chi-ê trong bài giới thiệu sử thi Ðăm Xăn đã thuật lại ý kiến của các già làng người Ê Ðê như sau: "Tôi hỏi các già làng: "Vậy Khan là cái gì?" Một người trả lời: "Khan ư? Không có cái gì đẹp hơn thế. Trong khi nhà có một người kể Khan, lúc mặt trời lặn chúng ta thấy người trong nhà chăm chú bất động như thế nào thì chúng ta lại thấy họ bất động y nguyên như thế cho đến lúc mặt trời mọc (việc kể Khan diễn ra qua đêm đến sáng - PÐN). Khi trong nhà có người kể Khan, đàn bà thôi kêu la, trẻ con ngừng khóc, không hề ai ngủ, không ai nói chuyện, tất cả mọi người đều lắng nghe"(4).

Khi nghiên cứu sử thi - hơmon của người Ba Na, GS Tô Ngọc Thanh đã thu nhận được những hiện tượng tiêu biểu thuộc phạm vi quan niệm về sự huyền ảo có thực. Ông viết: "Thành viên của công xã và những thành viên của công xã bên cạnh ngồi thành những nhóm nhỏ ở sân nhà rông dưới trời đêm đông đen đặc. Những nhóm người nghe có thể đốt một đống lửa nhỏ để sưởi và lấy lửa hút thuốc. Họ ngồi lặng lẽ như gỗ, tựa như đã câm. Giọng của người kể được nghe rõ bởi vách nhà rông đan bằng những nan tre. Theo quan sát của tôi, người nghe bị thu hút hoàn toàn bởi diễn biến của câu chuyện. Sau khi hơmon kết thúc, tôi hỏi người bên cạnh:

- Bác nghĩ gì trong thời gian nghe kể?

- Tôi chẳng nghĩ gì cả, tại sao ông lại hỏi thế? Chẳng nhẽ không phải là tôi đã cùng với các nhân vật trong suốt thời gian kể hay sao?".(5)

Không phải chỉ có ngày xưa, mà gần đây, tình yêu, sự say mê sử thi vẫn còn sâu nặng trong các dân tộc. Ka Sô Liễng ghi lại: "Ðêm hôm đó, nhà bên có đám cúng rất to, có đánh cồng đánh chiêng nhảy múa, nhưng khi ông Kpa Y Méo cất tiếng hát sử thi Chi Lơ Kôk thì hình như có nam châm đã hút mọi người vây quanh, lớp trong, lớp ngoài chung quanh ông. Nhân dân xã Krông Pa yêu quý Kpa Y Méo như thế nào thì nhân dân xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Suối Cối yêu quý ông Ma Phửi cũng như vậy"(6)... Ðây là sự thực của quá khứ, có trường hợp cách đây năm, bảy chục năm.

Nhưng ngày nay thì sao?

Gìn giữ, phát huy sử thi Tây Nguyên

Năm 2007, thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì (Sử thi Tây Nguyên với cuộc sống đương đại), qua điều tra xã hội học, có 37% số người được hỏi thích sử thi, 60% số người rất thích, 2% không thích.

Như vậy, cho đến nay, người dân Tây Nguyên vẫn rất yêu thích, quý trọng vốn sử thi của mình. Ðiều tra cho biết, có 8,8% số người không biết gì về sử thi và 53,3% hiểu biết rất ít. Ðây là tình trạng đáng báo động.

Trong bảng hỏi, chúng tôi đưa ra các câu hỏi để tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân.

Hầu hết số người được hỏi đều tán thành và mong muốn sử thi của dân tộc mình được lưu truyền phổ biến bằng các phương tiện mới như: vô tuyến, kịch, phim truyện, sách. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng có tỷ lệ cao về người tán thành và tự nguyện tham gia (80%) là việc mở các lớp dạy sử thi tại các buôn, plây, ngoài các trường, lớp chính quy.

Ðăm Xăn, bộ sử thi đầu tiên được công bố vào năm 1927. Sau đó, chúng ta biết thêm các trường ca khác như Ðăm Di, Xing Nhã, Khinh Dú, Ðăm Ðroăn... Dự án điều tra, sưu tầm sử thi Tây Nguyên gần đây đã xuất bản được bộ Kho tàng sử thi Tây Nguyên gồm 75 tác phẩm, 62 tập, 60.555 trang.

Sử thi Tây Nguyên thật sự là một niềm tự hào, một tài sản vô giá của Việt Nam và thế giới. Nhưng nó đang đứng sát bờ vực của sự tiêu vong.

Nhiệm vụ cấp thiết của thế hệ chúng ta ngày nay là cứu lấy sử thi Tây Nguyên.

Một mặt, cần tạo mọi điều kiện cho sử thi được nhân dân hát - kể trong các buôn, plây.

Mặt khác, các cấp, các tổ chức, cần tận dụng kỹ thuật nghe nhìn mới như: vô tuyến, băng, đĩa, phim, kịch, sách... để phát huy sử thi Tây Nguyên trong xã hội đương đại.

------------------

(1) Sử thi Phần Lan Kalevala, Bùi Việt Hoa dịch, NXB Văn học, H, 1994, trang 3.

(2) Tựa "Bài ca chàng Ðăm Xăn" 1927.

(3) Lời nói đầu Khan Klei Ðăm Di, BEFEO, 1955, tập 46, trang 555.

(4) "Bài ca chàng Ðăm Xăn", trang 143.

(5) "Những nguyên tắc cơ bản của âm nhạc dân gian Việt Nam", luận án Tiến sĩ của Tô Ngọc Thanh, Xô-phi-a, trang 215.

(6) "Vài nét về Trường ca Xing Chi Ôn", NXB Văn hóa dân tộc, H, 1993, trang 6.