Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:

Hệ thống thanh tra đủ người nhưng chưa đủ mạnh

Hệ thống thanh tra đủ người nhưng chưa đủ mạnh

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tiền thân của ngành thanh tra ngày nay. Từ đó, ngày 23-11 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng thanh tra. Kỷ niệm 61 năm thành lập ngành, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Truyền, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Xin ông đánh giá khái quát thành tựu mà ngành thanh tra đã đạt được trong 61 năm qua?

Ông Trần Văn Truyền: Hơn 61 năm qua, ngành thanh tra có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Ngay từ khi mới được thành lập, tuy lực lượng còn mỏng, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc thiếu thốn, nhưng các cán bộ thanh tra đã làm việc rất nghiêm túc, có những hoạt động thiết thực giúp Chính phủ củng cố chính quyền nhân dân mới thành lập. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng vậy, ngành thanh tra tiếp tục khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành trọng trách mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ ngành thanh tra luôn nắm bắt kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nói gọn lại, trong suốt 61 năm qua, ngành thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng, luôn trung thành, tận tụy, đoàn kết và quyết tâm phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ thanh tra có phẩm chất đạo đức trong sáng, là tấm gương quên mình vì sự nghiệp thanh tra, như các đồng chí Bùi Bằng Ðoàn, Tôn Ðức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng...

PV: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công tác thanh tra. Những lời dạy của Người đối với ngành đã được đội ngũ cán bộ thanh tra thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Truyền: Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành thanh tra luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra. Những lời dạy của Người: "Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới", "cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được", đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ thanh tra, là kim chỉ nam cho mọi hành động của ngành, và của mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác thanh tra. Lời dạy của Người chỉ ra cho chúng tôi hai việc cần quan tâm: Thanh tra là tai mắt của trên, là Bác muốn nói đến yếu tố năng lực trình độ của cán bộ thanh tra như là một công cụ quản lý nhà nước. Nhưng, cũng chính từ vai trò công cụ đó, lại dễ nảy sinh thái độ hống hách, cửa quyền, xa rời thực tiễn. Vì vậy, nói đến công tác thanh tra, Bác đặc biệt chú trọng về mặt phẩm chất của cán bộ. Thanh tra không chỉ là tai mắt của trên, mà còn là người bạn của dưới. Cán bộ thanh tra như chiếc gương sáng để người ta soi vào.

Ôn lại truyền thống ngành, tôi cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành phải thấm nhuần những lời dạy của Người, coi đó là những gì thiêng liêng nhất của cuộc đời người cán bộ thanh tra.

PV: Thưa ông có ý kiến cho rằng, "thanh tra chưa đi thì ở dưới đã biết, chưa xuống tới nơi đã có người đón, phục vụ chu đáo". Vậy thực chất là như thế nào?

Ông Trần Văn Truyền: Nói như vậy thật sự chưa thỏa đáng. Nhiều cuộc thanh tra, cán bộ thanh tra làm việc rất vất vả, nghiêm túc, đi cả tháng không về, mà chế độ thì hầu như không có gì, có người còn phải thuê xe ngoài để đi. Thế mà, công việc vẫn tốt, kết luận thì rõ ràng, kiến nghị cũng xác đáng. Nhiều kết luận còn chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người sai phạm. Công lao là khá rõ, ai cũng thấy, nhưng gần đây, vì khuyết điểm của một số cá nhân, nên nhiều người hoài nghi, cho rằng tiêu cực trong ngành thanh tra là rất nặng.

Nếu đề cập hạn chế và yếu kém của thanh tra, chủ yếu thể hiện ở hai khía cạnh: Trình độ năng lực và phương pháp công tác. Những hạn chế này, nếu không được nhìn nhận một cách đúng mức và nghiêm túc, sẽ dẫn đến xu hướng chủ quan tự mãn, bằng lòng với thực tế. Và điều này tất yếu làm "tổn thương" cho ngành; nguy hiểm hơn, sẽ làm tổn hại tới công việc chung của đất nước. Tôi không phủ nhận, có một bộ phận cán bộ thanh tra làm chưa hết trách nhiệm, gặp khó thì chùn bước, hoặc đã xuất hiện một số trường hợp tiêu cực trong quá trình thanh tra. Trách nhiệm của chúng tôi chính là chỗ này. Kỷ niệm 61 năm ngành thanh tra, chính là dịp để chúng tôi tự soi lại mình, tự phê bình để có được nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của bản thân. Phải trả lời với dư luận bằng những việc làm cụ thể, có chất lượng và hiệu quả cao.

Làm cán bộ thanh tra, tôi cho rằng, phải biết chấp nhận thiệt thòi, thậm chí là sự hy sinh. Người nào không chấp nhận những đòi hỏi khắt khe đó thì nên đi làm việc khác. Cán bộ thanh tra làm việc là vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của Ðảng và Nhà nước.

PV: Thanh tra là công cụ quan trọng trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, trách nhiệm lớn, quyền hạn cũng lớn, theo ông, làm thế nào để nêu cao trách nhiệm, nhưng đồng thời hạn chế tiêu cực và sự lạm quyền của cán bộ thanh tra?

Ông Trần Văn Truyền: Tôi nghĩ trách nhiệm lớn thì đòi hỏi cũng lớn. Thời gian qua, bên cạnh những thành tích là cơ bản, thanh tra cũng có nhiều mặt yếu kém, hạn chế. Ở đây có vấn đề quan niệm về công tác thanh tra. Thanh tra là thúc đẩy đổi mới, tạo điều kiện và bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình thanh tra, nếu thấy nhân tố tích cực, thanh tra phải có trách nhiệm biểu dương, cổ vũ; nếu phát hiện khuyết điểm, vi phạm thì phải chỉ rõ nguyên nhân, cách khắc phục.

Tiếp đến là thực hiện thật tốt vấn đề dân chủ trong thanh tra. Không có dân chủ thì không có thanh tra chính xác và khách quan. Dân chủ trong thanh tra là phải biết lắng nghe, tiếp thu đúng mức và giải quyết thấu đáo các kiến nghị của đối tượng bị thanh tra, kể cả của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.

Tôi vừa ký ban hành Quy chế hoạt động của Ðoàn thanh tra, trong đó quy định rõ những việc thanh tra không được làm. Thí dụ như: Trong quá trình thanh tra thì cấm gặp riêng đối tượng bị thanh tra, cấm nhận quà biếu dưới bất kỳ hình thức nào. Ðã nhận quà biếu, dù là quà gì đi chăng nữa cũng dễ dẫn tới sự thiên lệch. Quy chế này áp dụng thông suốt cho toàn ngành, chứ không chỉ ở Thanh tra Chính phủ.

Quy chế là cần thiết, song bản thân mỗi cán bộ thanh tra phải chủ động nâng cao khả năng "miễn dịch" để không bị sa ngã, lợi dụng.

Ðể ngăn ngừa tiêu cực và sự lạm quyền trong hoạt động thanh tra, chúng tôi có các tổ giám sát. Tổ giám sát có trách nhiệm theo dõi, tiếp nhận thông tin từ dư luận và từ chính đơn vị bị thanh tra. Khi Ðoàn thanh tra báo cáo tiến độ công việc, tổ giám sát được phát biểu ý kiến về một số nội dung. Khi kết thúc quá trình thanh tra, tổ giám sát cũng được mời họp, có nghĩa vụ tư vấn, cung cấp thông tin liên quan, trước khi lãnh đạo ký kết luận chính thức về quá trình thanh tra.

Ðó còn là vấn đề phương pháp làm việc. Bên cạnh phương pháp thanh tra truyền thống, thì phương pháp tiếp cận nhiều chiều quan trọng không kém. Ðó là việc mở rộng đối tượng tiếp cận trong quá trình thanh tra, với một thái độ chân thành và thật sự cầu thị.

Cuối cùng là vấn đề xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy. Một bộ máy thông suốt, đồng bộ, với đội ngũ cán bộ được chọn lựa kỹ, tất sẽ mang lại hiệu quả công việc như mong muốn. Việc này lâu nay có phần bị buông lỏng. Thanh tra Bộ thì Bộ bổ nhiệm, tỉnh thì tỉnh bổ nhiệm. Có quyền bổ nhiệm thì tất có quyền miễn nhiệm, điều chuyển... ý kiến của Thanh tra Chính phủ chỉ để tham khảo. Thực tế, cán bộ thanh tra nào đó làm quyết liệt, thường xuyên "đụng chạm", thế nào cũng bị thay. Tôi về nhận nhiệm vụ chưa lâu mà đã có mấy trường hợp Chánh thanh tra cấp tỉnh bị đề nghị thay. Hỏi ra thì lỗi chỉ là "làm trái ý lãnh đạo". Cũng có người rời cương vị để được "đề bạt" làm công việc khác. Có thể nói, hệ thống thanh tra hiện nay đủ người, nhưng thật sự chưa đủ mạnh. Và chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để phấn đấu xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.