Từ ngày 1/7/2025, ngành y tế thành phố từ một chi cục và 57 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sẽ có hai chi cục và 124 đơn vị. Trong đó gồm 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm không giường bệnh, 15 trung tâm bảo trợ xã hội và 38 trung tâm y tế khu vực.
Đối với 443 trạm y tế phường, xã hiện hữu vẫn thực hiện nhiệm vụ, chức năng như hiện nay để không xáo trộn hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Trong thời gian 60 ngày sau ngày 1/7/2025, Sở Y tế sẽ thực hiện chuyển đổi thành 168 trạm y tế phường, xã tương ứng với số phường, xã mới và thiết lập 296 điểm y tế.

Trung tâm y tế khu vực đảm trách ưu tiên bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế và điểm y tế.
Y sĩ Ngô Thị Sáu ở Trạm Y tế Phường 15 thuộc phường Phú Thọ, chia sẻ: “Sau ngày 1/7, các Trạm y tế phường, xã cũng chuyển đổi cho phù hợp với mô hình chung. Hy vọng khi đó nguồn lực đầu tư nhiều hơn, trạm y tế có đủ điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân tốt hơn nữa”.
Đối với mạng lưới khám chữa bệnh gồm 162 bệnh viện bao gồm bệnh viện bộ, ngành, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa và bệnh viện ngoài công lập.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết với hệ thống y tế mới, đa dạng về loại hình, gia tăng số lượng cơ sở, quy mô địa bàn rộng mở,… đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Do đó, thời gian tới ngành y tế tập trung cơ chế quản lý thống nhất, linh hoạt, hiện đại.
Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị điều hành, bảo đảm phân bổ hợp lý nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các tuyến và cơ sở y tế.
Riêng hệ thống cấp cứu 115 gồm một trung tâm và 45 trạm cấp cứu vệ tinh sẽ được mở rộng mạng lưới vệ tinh để bao phủ toàn bộ địa bàn mới.
Ngoài ra, từ ngày 1/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 110 trung tâm bảo trợ xã hội, gồm 15 cơ sở công lập và 95 cơ sở ngoài công lập.