Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ, những năm qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đưa Lai Châu ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hướng đến trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực.
Lai Châu phát triển được hơn 11.000 ha cây dược liệu.
Lai Châu phát triển được hơn 11.000 ha cây dược liệu.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc, là địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với diện tích đất đai lớn, trong đó đất nông nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, khí hậu nhiệt đới gió mùa thích hợp để trồng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế như cao-su, chè, mắc-ca; các loại cây trồng ôn đới và nhiều loài cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, đương quy, tam thất...

Lai Châu có hệ thống sông, suối dày, độ dốc lớn, có nhiều loại khoáng sản quý hiếm, nhất là các mỏ đất hiếm... Ðây là điều kiện, cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản.

Lai Châu có Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đang được quan tâm đầu tư, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với thành phố Lai Châu dự kiến hoàn thành năm 2025, dự án Hầm đường bộ kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Ðường đang hoàn thiện thủ tục để khởi công..., khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lai Châu sở hữu 6 trong số 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Yếu tố địa hình đã tạo cho Lai Châu có vẻ đẹp hùng vĩ. Sự đa dạng, phong phú trong văn hóa bản địa của 20 dân tộc anh em là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm…

Theo Phó Bí thư Thường trực tỉnh Lai Châu Vũ Mạnh Hà, để từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở các định hướng phát triển của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh trong các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận và bố trí nguồn lực để phát triển các ngành lĩnh vực quan trọng, nổi bật như: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch... Ðồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào địa bàn tỉnh; công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, du lịch và thương mại-dịch vụ;...

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân, những năm qua, Lai Châu bứt phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm qua luôn đạt hơn 9%/năm. Ðáng chú ý, năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng của Lai Châu đạt 10,52%, xếp thứ 5 so với cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng gấp 22 lần so với năm 2004; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp hơn 78 lần so với năm 2004.

Năm 2024 cũng là năm đầu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vượt mốc 2.500 tỷ đồng. Năm 2015, Lai Châu đã ra khỏi diện tỉnh đặc biệt khó khăn, hiện tại tỉnh đang trên đà tiến đến trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực theo như mục tiêu vào năm 2030.

Hiện nay, Lai Châu đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với hơn 4.000 ha lúa hàng hóa, 10.500 ha chè, hơn 11.000 ha cây dược liệu, 21.000 đàn ong mật… Các địa phương trong tỉnh và các cơ sở sản xuất, chế biến đã xây dựng thương hiệu cho 215 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2024 đạt 52,86%; tổng tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng năm 2024 dự kiến đạt hơn 535 tỷ đồng.

Tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như sản xuất điện, chế biến nông, lâm, thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện, toàn tỉnh có 62 nhà máy thủy điện hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy hơn 3.000 MW, đóng góp hơn 60% cho ngân sách tỉnh.

Năm 2024, Lai Châu đón gần 1,4 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng và tăng 30% so với năm 2023. Bản Sin Suối Hồ đã được công nhận là bản du lịch cộng đồng ASEAN. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố; đến nay, tỉnh đã thu hút 299 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 143 nghìn tỷ đồng...

Các hoạt động văn hóa-xã hội ngày càng phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách xã hội, giảm nghèo được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 19,59%. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...

Phó Bí thư Thường trực tỉnh Lai Châu Vũ Mạnh Hà chia sẻ, những thành tựu đạt được như đã nêu trên là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục thực hiện khát vọng vươn lên, phát triển mạnh mẽ trong chặng đường mới. Trong đó, mục tiêu đặt ra là kinh tế tăng trưởng ở mức hai con số; phấn đấu xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía bắc.