Lịch sử không còn là những thông tin khô cứng, mà hiện hữu chân thực, sống động
Đôi bạn trẻ Quang Minh và Thục Anh (sinh năm 2003, ở Cầu Giấy, Hà Nội), biết thông tin triển lãm từ TikTok nên quyết định đến xếp hàng nhận phụ san đặc biệt và check-in tại triển lãm.
Thục Anh cho biết: “Chúng em đi từ hôm qua nhưng khi đến Hàng Trống và cả Lê Thạch đều hết báo nên hôm nay em quay lại từ sớm và gần như là những người đầu tiên được cầm trên tay tờ phụ san đặc biệt. Em đã xem qua một số thước phim từ mã quét QR code trên phụ san và thấy thật sự tự hào về cha ông mình”, Thục Anh kể.
![]() |
Đôi bạn trẻ Quang Minh-Thục Anh, sinh năm 2003 chụp ảnh tại triển lãm tương tác. (Ảnh: HNV) |
Quang Minh chia sẻ, em biết triển lãm tại Báo Nhân Dân qua bạn Thục Anh và đây là lần đầu tiên hai bạn tiếp cận với ấn phẩm của Báo Nhân Dân. Hai bạn cũng mong muốn vào dịp 2/9 tới đây, Báo Nhân Dân lại có sự kiện và ấn phẩm tương tự như thế này để tiếp tục mang đến cách tiếp cận lịch sử rất mới mẻ cho bạn trẻ nói riêng và người dân nói chung.
“Nếu Báo Nhân Dân tiếp tục có những ấn phẩm như thế này thì thật tuyệt vời bởi vì đây không chỉ là một món quà kỷ niệm ý nghĩa mà còn là một sản phẩm đặc biệt khi ứng dụng công nghệ giúp đọc báo một cách mới mẻ hơn, tiếp cận lịch sử tốt hơn. Trước đây, chỉ học qua sách vở và bài giảng, chúng em không thể tiếp thu được hết ý của thầy cô giáo. Do đó, với cách tiếp cận trực tiếp bằng hình ảnh và những thước phim 3D, chúng em thấy việc tiếp cận trở nên dễ dàng hơn và có cảm giác như mình đang sống trong không gian đó, đang có trải nghiệm như cha ông mình đang chiến đấu một cách sống động và chân thật”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Nếu Báo Nhân Dân tiếp tục có những ấn phẩm như thế này thì thật tuyệt vời bởi vì đây không chỉ là một món quà kỷ niệm ý nghĩa mà còn là một sản phẩm đặc biệt khi ứng dụng công nghệ giúp đọc báo một cách mới mẻ hơn, tiếp cận lịch sử tốt hơn.
Quỳnh Anh, sinh năm 2003, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trong những ngày nghỉ lễ, chị Phạm Thị Linh Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã cùng gia đình nhỏ của mình check-in tại triển lãm.
Linh Chi cho biết, những ngày này, sự kiện triển lãm của Báo Nhân Dân đang rất "hot": “Cơ quan em ở ngay phố Nguyễn Du, mọi người còn rủ nhau đi bộ lên thăm quan, xếp hàng nhận ấn phẩm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 30/4 và cùng khen ngợi triển lãm của Báo Nhân Dân. Đây là một hình thức thông tin tuyên truyền kết hợp công nghệ, QR code để bạn đọc truy cập giúp nhân dân tiếp cận một cách sinh động các thông tin lịch sử”, Linh Chi nói.
Cũng theo Linh Chi, Báo Nhân Dân được biết là tờ báo có truyền thống lâu đời, đồng hành cùng nhiều sự kiện lịch sử lớn của nhân dân ta từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay. Linh Chi kể: “Từ những năm 90 khi còn nhỏ, hồi đó chưa có báo điện tử, em còn nhớ bố em được phát Báo Nhân Dân theo tiêu chuẩn của cán bộ, đảng viên. Em đã biết đến tờ báo và cũng thích đọc. Hiện nay, truyền thông số, báo điện tử nhiều, Báo Nhân Dân phát triển theo hình thức mới, cập nhật yếu tố thời đại và bắt kịp đúng xu hướng, “rượu cũ” nhưng là “bình mới”, đáp ứng yêu cầu thông tin về sự phát triển của đất nước, lôi cuốn hấp dẫn các bạn trẻ đến với tìm hiểu lịch sử”.
![]() |
Đông đảo người dân xếp hàng vào nhận phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: KIM DUNG) |
“Sự phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng AI vào các ấn phẩm báo chí nói chung và Báo Nhân Dân nói riêng khiến con người tiệm cận không gian ảo, cảm nhận sâu sắc, rõ nét hơn về lịch sử. Những dữ liệu lịch sử không chỉ là những thông tin “chết” mà được thể hiện rất sống động. Qua đó, chúng em thấy rõ hơn những hy sinh mất mát phải trả giá bằng xương máu của các thế hệ cha, ông và càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất không chịu khuất phục để bảo vệ nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ. Em mong những triển lãm như thế này nên tiếp tục phát huy”, Linh Chi cho biết thêm.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Tính, 71 tuổi (cầm cờ bên phải) chụp ảnh cùng các bạn mình tại triển lãm tương tác. (Ảnh: HNV) |
Bà Nguyễn Thị Tính, 71 tuổi, kế toán về hưu, nhà ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội hào hứng cùng các bạn đồng niên của mình chụp ảnh cùng mô hình xe tăng. Bà chia sẻ: “Vào khu triển lãm thấy tuyệt vời quá! Một cảm giác như thật, khiến các cô rất hưng phấn. Không còn gì diễn tả hết cảm xúc lúc này ngoài hai chữ “tuyệt vời”. Cô và các bạn già của mình cảm giác như đang trở lại những ngày tháng cả nước nhận tin thắng trận 1975, tất cả đều ào ào xuống đường, cùng nhau hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…
![]() |
Bà Vương Thị Bình (cầm cờ) cùng người thân trong gia đình chụp ảnh tại mô hình xe tăng. (Ảnh: HNV) |
Bà Vương Thị Bình, 61 tuổi, đến từ Đông Anh, Hà Nội cho biết, sáng nay bà đi cùng bà thông gia, con dâu và 3 cháu nội đến với triển lãm. Chụp ảnh với mô hình xe tăng, lại được cầm trên tay ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân và quan sát, lắng nghe thuyết minh mô hình chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng mùa Xuân 1975 trong khuôn viên tòa soạn Báo Nhân Dân, bà thấy phấn khởi và tự hào.
"Tôi như được sống lại khoảnh khắc khi nghe tin thắng trận, cùng các bạn của mình chạy ào ra đường, lên cầu Thăng Long để hòa vào dòng người chúc mừng chiến thắng của quân dân ta năm 1975", bà Bình tâm sự. Bà cũng háo hức với ấn phẩm mới và khoe đã biết cách quét mã để xem hình, các thông tin có cả hình ảnh và âm thanh sống động.
Lịch sử sẽ không bao giờ bị lãng quên, chỉ có cách thức tiếp cận là phải đổi mới theo xu hướng thời đại
Chị Trần Minh Phương, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, là một người mẹ có hai con đang ở lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở, chị luôn trăn trở về cách giáo dục làm sao để các con không chỉ học tốt kiến thức trong sách vở mà còn biết yêu thương, biết trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc.
Chị cho biết, anh chị luôn cố gắng tạo môi trường học tập gắn với trải nghiệm thực tế. Lần này, khi biết Báo Nhân Dân tổ chức triển lãm tương tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chị cùng một số đồng nghiệp tranh thủ ghé qua, xếp hàng xin báo và quét mã QR để xem triển lãm qua hình thức trực tuyến.
Giáo dục truyền thống không nhất thiết phải khô cứng. Nếu có thể kết hợp giữa chiều sâu lịch sử và công nghệ hiện đại, giữa yếu tố cảm xúc và lý trí, tôi tin rằng những bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh, về khát vọng độc lập-tự do sẽ mãi in đậm trong tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam.
Chị Trần Minh Phương, quận Long Biên, Hà Nội
Ngay khi về đến nhà, chị đã chia sẻ lại link triển lãm và ngồi cùng hai con xem và trẻ rất thích thú. Hôm nay, cả gia đình chị quyết định đến tận nơi tham quan triển lãm. Ngay từ khi bước vào không gian trưng bày, các con đã tò mò, chăm chú nhìn từng hình ảnh, nghe từng đoạn lời thuyết minh. Chúng được thử tương tác với các thiết bị hiện đại, được “chạm” vào một phần ký ức lịch sử thông qua công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường.
"Đây sẽ là một trong những trải nghiệm khó quên nhất với các con tôi. Tôi thật sự đánh giá cao cách làm sáng tạo của Ban Tổ chức và Báo Nhân Dân trong việc đưa công nghệ vào triển lãm lịch sử. Đó không chỉ là việc làm hiện đại hóa hình thức truyền thông, mà còn là một nỗ lực nhân văn trong việc đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ - thế hệ đang sống trong thời đại số, nơi hình ảnh, âm thanh và trải nghiệm tương tác là yếu tố quan trọng để giữ được sự quan tâm", chị Phương chia sẻ.
![]() |
Chị Trần Minh Phương, quận Long Biên, Hà Nội cùng hai con trực tiếp tham gia triển lãm tương tác. (Ảnh: KIM DUNG) |
Sau khi cho con trải nghiệm hết triển lãm, chị tâm sự: "Giáo dục truyền thống không nhất thiết phải khô cứng. Nếu có thể kết hợp giữa chiều sâu lịch sử và công nghệ hiện đại, giữa yếu tố cảm xúc và lý trí, tôi tin rằng những bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh, về khát vọng độc lập-tự do sẽ mãi in đậm trong tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam",
![]() |
Dòng người xếp hàng để nhận phụ san đặc biệt ngày càng đông. (Ảnh: KIM DUNG) |
Cựu chiến binh Nguyễn Chấn, 90 tuổi, hòa vào dòng người xếp hàng nhận ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân kể cho phóng viên Báo Nhân Dân nghe câu chuyện binh nghiệp của đời mình.
Tôi năm nay 90 tuổi rồi, nhưng mỗi lần đến những sự kiện như thế này, tôi như trẻ lại. Tôi cảm thấy mình vẫn còn góp phần được gì đó cho đất nước, cho thế hệ sau. Chừng nào còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn kể chuyện, sẽ vẫn đi, vẫn nói để những gì thế hệ tôi trải qua không bị phai mờ trong tâm trí của các cháu hôm nay.
Cựu chiến binh Nguyễn Chấn, 90 tuổi
Ông kể: 72 năm trước, khi mới 16 tuổi, ông rời quê hương để lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khi ấy, những người lính trẻ chẳng nghĩ gì nhiều ngoài hai chữ “giải phóng”. Trải qua gần 40 năm trong quân ngũ, ông đã đi qua biết bao chiến trường ác liệt: từ miền đông, miền Tây Nam Bộ đến Quảng Trị, từng đơn vị, từng trận đánh đều để lại trong ông những ký ức không thể nào quên. Ông từng phục vụ tại các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa, rồi chuyển công tác về các cơ quan, trường học, trước khi nghỉ hưu tại Bộ Tư lệnh Hóa học.
![]() |
Cựu chiến binh Nguyễn Chấn, 90 tuổi thăm quan triển lãm. (Ảnh: KIM DUNG) |
Chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày, ông càng trân quý hơn những gì thế hệ đi trước đã hy sinh, và càng thấm thía hơn trách nhiệm của việc truyền lại lịch sử cho thế hệ sau.
Chính vì vậy, khi biết tin Báo Nhân Dân tổ chức triển lãm tương tác nhân dịp 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông đã rất háo hức muốn đến xem tận mắt.
Ông tâm sự: “Nhờ có cháu đưa đi, tôi được trải nghiệm một hình thức triển lãm hoàn toàn mới. Công nghệ thật kỳ diệu - các hình ảnh, tư liệu, âm thanh từ chiến trường năm xưa được tái hiện sống động như đang diễn ra trước mắt. Không gian trưng bày không chỉ khiến người xem xúc động, mà còn tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại”.
![]() |
Nhiều bạn trẻ xếp hàng để nhận phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: HNV) |
Ông cho biết bản thân xúc động nhất khi thấy rất nhiều bạn trẻ đến xem, chăm chú đọc từng dòng thông tin, lắng nghe từng câu chuyện. Điều đó khiến ông có niềm tin rằng, lịch sử sẽ không bị lãng quên.
"Ngày trước, trong kháng chiến, báo chí là vũ khí tinh thần sắc bén, là nơi truyền đi những thông điệp về lòng yêu nước, về tinh thần chiến đấu. Ngày nay, báo chí, đặc biệt là Báo Nhân Dân, lại tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong công cuộc giáo dục truyền thống, làm cầu nối đưa lịch sử đến gần hơn với nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tôi năm nay 90 tuổi rồi, nhưng mỗi lần đến những sự kiện như thế này, tôi như trẻ lại. Tôi cảm thấy mình vẫn còn góp phần được gì đó cho đất nước, cho thế hệ sau. Chừng nào còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn kể chuyện, sẽ vẫn đi, vẫn nói, để những gì thế hệ tôi trải qua không bị phai mờ trong tâm trí của các cháu hôm nay”, người cựu chiến binh xúc động chia sẻ.
Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)
Thời gian: Bắt đầu từ ngày 23/4 đến hết ngày 4/5/2025; từ 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày.
Địa điểm: Khuôn viên Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội.
Cách quét mã QR trên phụ san 30/4
Bạn đọc có thể quét 4 mã QR để xem video động trên mặt phẳng tĩnh với công nghệ AR. 4 mã QR này tương ứng với 4 khoảnh khắc quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao gồm hình ảnh xe tăng của quân đội ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
Để thực hiện trải nghiệm này độc giả cần cài đặt ứng dụng Tiktok trên thiết bị di động và thực hiện theo 2 bước sau:
- Bước 1: Quét mã QR để tải từng filter
- Bước 2: Quét vào hình ảnh tương ứng để trải nghiệm