Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Giang đã thông qua Nghị quyết về Chương trình số 08- CTr/HU xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả cao.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó xác định chuyển đổi cây trồng là khâu đột phá với trọng tâm là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Quốc Trương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Giang cho biết: Việc chuyển đổi phải dựa trên nhu cầu thị trường, phù hợp điều kiện đất đai, có khả năng nhân rộng và bền vững; được hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng; hỗ trợ giống cây trồng mới, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu; khuyến khích phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, dồn thửa đổi ruộng…
Trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp giữ vai trò “bà đỡ” giúp nông hộ phát triển sản xuất. Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện phối hợp với các xã rà soát quỹ đất, đánh giá hiệu quả sử dụng đất canh tác. Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị. Các cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu tập thể, sản phẩm OCOP. Các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể, tổ chức đối thoại với người dân, giải thích lợi ích lâu dài từ chuyển đổi cây trồng.
Các tổ chức chính trị-xã hội ở các xã tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kết nối thị trường, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; đồng thời trực tiếp xuống địa bàn vận động người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự năng động, sáng tạo, ham học hỏi, đổi mới của nhiều hộ dân trong phong trào chuyển đổi cây trồng đã có tác động lan tỏa, tạo thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Giang. Nông dân các xã chủ động tiếp cận quy trình canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng tới truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường.
Những thay đổi này tạo ra sản phẩm an toàn, phù hợp xu thế tiêu dùng xanh-sạch. Nhiều hộ dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới, nhà màng để điều tiết vi khí hậu, kiểm soát độ ẩm và ánh sáng, giúp cây trồng phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, kéo dài thời vụ, tăng giá bán. Các mô hình trồng rau, cây ăn quả trong nhà màng cho thu nhập gấp 4-5 lần canh tác truyền thống.
Tại xã Liên Nghĩa, nhiều nông dân đã tự tìm hiểu giống cây ăn quả mới như: Bưởi da xanh, chuối tây Thái Lan, nhãn chín muộn Hưng Yên… để thay thế cây trồng cũ; đồng thời ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, liên kết thành tổ nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều hộ đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tăng năng suất, giảm công lao động. Ở xã Xuân Quan, nhiều hộ đầu tư nhà màng công nghệ cao, tìm hiểu thị hiếu để sản xuất ra sản phẩm hoa mới đẹp, giá bán cao. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hưởng chỉ trồng hoa truyền thống theo mùa vụ, đến nay đã chuyển sang mô hình trồng hoa chậu treo và hoa lá trang trí trong nhà, đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà kính trồng hoa chất lượng cao, cho thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm.
Một chuyển biến quan trọng là người dân Văn Giang đã thực hiện hiệu quả gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Nhiều hộ chủ động khảo sát thị trường qua mạng xã hội, xu hướng tiêu dùng từ các kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử... để điều chỉnh giống cây, mẫu mã và thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường. Một số hộ trồng hoa ở Xuân Quan đã thành lập fanpage, sử dụng TikTok, Zalo… để quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh. Nông dân livestream giới thiệu vườn, nhận đơn hàng online, sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh…
Các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Hợp tác xã hoa cây cảnh Xuân Quan đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với chuỗi cửa hàng trang trí nội thất, các khu du lịch sinh thái, bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng trăm thành viên. Một số hợp tác xã rau an toàn ở Tân Tiến, Cửu Cao ký hợp đồng tiêu thụ rau quả ổn định với chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn.
Đến nay, Văn Giang đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung với các sản phẩm chủ lực, được cấp mã số vùng trồng và áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao tại xã Xuân Quan, Phụng Công có diện tích hơn 350 ha; vùng trồng cam, quýt, quất, bưởi cảnh tại các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở, thị trấn Văn Giang có diện tích hơn 450 ha; vùng trồng cây ăn quả (cam, bưởi Diễn, ổi…) diện tích 400 ha ở các xã Tân Tiến, Long Hưng, Vĩnh Khúc.
Nhờ đó, Văn Giang có nhiều mô hình đạt giá trị sản xuất từ 500-800 triệu đồng/ha/ năm, thậm chí lên tới 1 tỷ đồng/ ha với mô hình hoa, cây cảnh kết hợp du lịch trải nghiệm. Việc sử dụng công nghệ cũng giúp tiết kiệm chi phí, giảm công lao động từ 30%-50%, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Văn Giang là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa “ý Đảng” và “lòng dân”; trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp kết hợp với tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân chính là yếu tố quyết định. Năm 2024, thu nhập bình quân đạt 144,5 triệu đồng/người/năm, tạo nền tảng quan trọng để huyện phát triển nền nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch nông thôn .