Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.400 ha trồng mía; theo quy hoạch đến năm 2020, sẽ tăng lên hơn 5.000 ha. Tỉnh đã chọn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Bắc là vùng trồng mía nguyên liệu chủ lực để phục vụ các nhà máy chế biến đường trong và ngoài tỉnh.
Từ năm 2010, để đẩy nhanh mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao, thông qua hoạt động khuyến nông, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ đồng bào bằng cách đưa các giống mía mới vào trồng; cho năng suất 80 tấn/ha, cao hơn giống mía cũ 20 tấn/ha. Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chữ đường, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho hộ trồng. Cụ thể, hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn phát triển vùng trồng mới toàn bộ vốn cày, khai hoang, cải tạo đất, cung ứng phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phổ biến rộng rãi và ký cam kết bảo hiểm giá mía khi thu hoạch...
Nhiều năm liền, anh Huỳnh Hữu Thanh, ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái đã liên kết nông dân địa phương trồng 150 ha mía, nhưng với hình thức chăm sóc thủ công, cho nên năng suất chưa cao, mỗi mùa vụ lãi ít. Từ niên vụ mía 2014-2015, anh được hỗ trợ mua máy đa năng phục vụ sản xuất mía, giảm nhiều chi phí nhân công; lợi nhuận từ trồng mía mỗi năm đạt vài trăm triệu đồng. Anh Thanh tâm sự: "Nhờ được hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật chăm sóc, mỗi mùa vụ, giảm chi phí đầu vào hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, mía đạt năng suất cao, chất lượng chữ đường cao và được bảo hiểm giá thu mua của công ty. Lợi nhuận mùa vụ năm sau luôn tăng hơn năm trước...".
Với năng suất 80 tấn mía cây/ha/vụ, nhiều hộ dân tộc Ra Glai, dân tộc Chăm ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Bắc có thu nhập ổn định từ 40 đến hơn 50 triệu đồng/năm. Sau thu hoạch, người dân còn tận dụng ngọn và lá cây mía làm thức ăn cho trâu, bò. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc) Pa tâu A xá Ngoan cho biết: "Nhờ trồng mía, nhiều hộ nghèo có thêm thu nhập sau mỗi mùa vụ; có vốn tích lũy mua bò, dê nuôi. Giờ đây, đời sống phần lớn các hộ DTTS đã vươn lên khá giả. Diện mạo nhiều xã ngày càng thay đổi và đẹp hơn".
Qua bốn năm thực hiện, ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang tạo sự đột phá mô hình cánh đồng mía lớn với quy mô hơn 500 ha, mang lại thu nhập cao cho người dân ở huyện Bác Ái. Người dân đã mạnh dạn thoát khỏi việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để hình thành nhiều tổ, đội liên kết nhau mở rộng diện tích hàng trăm héc-ta; canh tác ngày càng hiệu quả. Hiện, Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đang phối hợp huyện Ninh Sơn nhân rộng mô hình tại xã Quảng Sơn với quy mô hơn 100 ha. Theo đó, địa phương và công ty tổ chức quy hoạch liền thửa, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào canh tác, thu hoạch, vận chuyển mía.
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết, mới đây, Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đã đầu tư dự án tại thôn Ma Oai (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái) với diện tích khoảng 300 ha. Ðây là khu vực đất xấu, bỏ hoang lâu năm. Tuy nhiên, dựa trên các điều kiện về quy mô sản xuất và cải tạo, nâng cấp một số hệ thống kênh mương, hệ thống tưới, khu vực này hoàn toàn phù hợp mô hình cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao trong trồng mía. Chủ đầu tư dự kiến hình thức hợp tác, đầu tư là thuê đất của các hộ dân trong vùng dự án với thời hạn 20 năm. Sau khi hết thời hạn, công ty cam kết cải tạo đất hoàn trả cho nông dân tiếp tục sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang Văn Hữu Thận, đến năm 2018, thị trường khu vực sẽ được mở cửa hoàn toàn theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, biện pháp tốt nhất là đẩy mạnh và nhân rộng mô hình theo quy trình kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Như vậy, ngành mía đường trong nước mới phát triển bền vững.
Trong niên vụ 2016-2017, Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đề ra chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho hộ trồng mía đầu tư hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời; tưới nhỏ giọt; mua sắm máy kéo và thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng; tạo sự đồng thuận cao đối với người dân thực hiện chương trình. Niên vụ mía 2017-2018, Công ty tiếp tục hỗ trợ các hộ nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao với mức đầu tư nhiều hơn ở tất cả các công đoạn sản xuất. Ðiều đó cho thấy, mô hình "dồn điền" đang được nhân rộng và mở ra triển vọng mới cho đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai từ cây mía, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.