Trong cuộc trường chinh lịch sử 30 năm bảo vệ độc lập - tự do của Tổ quốc (1945-1975), tính đến năm 1998, Nhà nước ta đã phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ, trong đó chỉ một người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, đó là Anh hùng - liệt sĩ Ðào Phúc Lộc - người đặt nền móng cho sự ra đời của ngành tình báo quân sự Việt Nam.
Ông sinh ngày 4-8-1923 tại Móng Cái, Quảng Ninh và hy sinh ngày 24-12-1969 trong khi làm nhiệm vụ trên sông Vàm Cỏ. Di bút của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh in những trang đầu của cuốn Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ (Nxb Công an Nhân dân, xuất bản quý I năm 2008), viết: "Có nhiều thời gian công tác với đồng chí Ðạo tại chiến khu miền Nam, Cam-pu-chia, Khu ủy Sài Gòn-Gia Ðịnh, tôi thấy đồng chí Hoàng Minh Ðạo là một đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng phân công, tận tuỵ với Ðảng cho đến ngày hy sinh"...
Nếu Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ gây ấn tượng lớn trong tôi bởi những chuyện chưa biết về người anh hùng, thì may mắn sao trong những ngày qua tôi được về thăm Móng Cái quê hương ông, được trực tiếp chứng kiến những phút giây cảm động nơi những người thân và đồng đội năm xưa của ông.
Ðối với tôi, người đã có ba lần biên soạn cuốn sách về Anh hùng - liệt sĩ Ðào Phúc Lộc, được nghe nhiều câu chuyện cảm động gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp tình báo của ông, thì đây còn là một ân phúc lớn. Cuộc hành trình không dài nhưng đọng lại cho tôi bao câu chuyện mới lạ đầy thú vị.
Cùng đi với gia đình ông còn có một số đồng đội cũ hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từng một thời đồng cam cộng khổ với Anh hùng - liệt sĩ Ðào Phúc Lộc: Ðại tá tình báo Nguyễn Tấn Tước (tức Sáu Tước) nguyên Phó Ban Quân báo khu 8 thời chống Mỹ, cứu nước; Ðại tá Nguyễn Tuấn Long, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ nội bộ; ông Cao Văn Năm, nguyên Phó Ban Tài chính Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam; ông Ðào Phúc Sơn, em trai duy nhất của ông Ðào Phúc Lộc.
Những kỷ niệm sâu sắc về con người, sự nghiệp Ðào Phúc Lộc cứ đầy lên theo suốt chặng đường. Mỗi câu chuyện là những tình cảm chân thành của đồng đội, người thân về một nhà tình báo quân sự mẫu mực, trung kiên, nhân hậu và tài ba.
Ông Nguyễn Tấn Tước nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong những năm tháng hoạt động cùng ông Ðào Phúc Lộc: "Khi anh Ðạo (Hoàng Minh Ðạo tức Ðào Phúc Lộc) vào thay anh Phạm Ngọc Thảo làm Trưởng phòng Quân báo Nam Bộ, anh đã tập hợp anh em lại và củng cố quan điểm tình báo cho mọi người. Trong lúc trao đổi ý kiến, anh không bao giờ áp đặt cho chúng tôi là phải làm thế này hay phải làm thế kia mà anh chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo: "Tôi muốn xin góp ý một số vấn đề về công tác tình báo sắp tới"... Ðiều này giúp cho anh em trong tổ chức không cảm thấy công tác tình báo phức tạp mà trái lại rất gần gũi, gắn liền với những diễn biến cụ thể của cách mạng miền nam. Chính anh là người đầu tiên đưa tôi đến với ngành tình báo và những bài học từ anh là kinh nghiệm quý giá để tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình".
Ðại tá Nguyễn Tuấn Long, Thư ký của Ðại tướng Mai Chí Thọ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ) nhớ lại: "Tôi không may mắn được làm việc dưới sự chỉ huy của anh Ðạo, nhưng qua các đồng chí, đồng đội, tôi được nghe nói nhiều về anh Hoàng Minh Ðạo. Anh Ðạo là một người lãnh đạo đặc biệt, đặc biệt từ những bài học về tình báo đến tính cách và lối sống. Anh sống gần gũi và luôn quan tâm đến cuộc sống của anh em, đồng đội. Anh luôn gọi chúng tôi là các bạn hoặc các em. Với anh Ðạo, không có khoảng cách giữa người lãnh đạo và chiến sĩ, mà thay vào đó là tình cảm anh em, tình cảm của những người con chung một lý tưởng, chung một kẻ thù".
Ngày đầu tiên đặt chân tới đất mỏ, chúng tôi đến gặp và làm việc với Tỉnh ủy, UBND, HÐND, UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh. Ðồng chí Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: "Ðảng bộ và nhân dân Quảng Ninh luôn tự hào, ghi nhớ công lao Anh hùng - liệt sĩ Ðào Phúc Lộc, người đã làm vẻ vang cho quê hương Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung".
Trong buổi gặp mặt đầm ấm, vui vẻ với các đồng chí lãnh đạo cùng các sở, ban ngành của tỉnh, chị Ðào Thị Minh Vân (con gái đầu lòng của Anh hùng Ðào Phúc Lộc) đã trao tặng Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh một số kỷ vật có liên quan đến người cha của mình. Ðó là chiếc ra-đi-ô mà Trung ương Cục miền Nam trang bị cho ông và ông đã dùng trong suốt thời gian ở chiến trường; một số tấm ảnh cũ có giá trị tư liệu lịch sử quý giá như bức ảnh đồng chí Tô Hiệu làm lễ kết nạp Ðảng cho đồng chí Ðào Phúc Lộc tại Hải Phòng năm 1939, bức ảnh chụp đồng chí Ðào Phúc Lộc là thành viên Chủ tịch đoàn tại Hội nghị mừng công chiến sĩ thi đua toàn miền nam năm 1962. Ðồng thời, chị Minh Vân cũng trao tặng Quỹ chất độc da cam tỉnh Quảng Ninh 50 triệu đồng và ủng hộ con em các gia đình liệt sĩ của tỉnh 50 triệu đồng ngay tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tại Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, khi nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đời hoạt động và quá trình "trả lại tên cho cha" của chị Minh Vân, tất cả đều không nén nổi xúc động. Ðồng chí Ðại tá Trần Thành, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: "Anh hùng - liệt sĩ Ðào Phúc Lộc là người duy nhất trong tổng số gần 2.000 sĩ quan, chiến sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cho tới thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, điều đó chứng minh sự đóng góp của ông là rất lớn cho sự nghiệp tình báo nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Ðây là niềm tự hào và nét đẹp truyền thống mà mỗi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh cần học tập và noi theo".
Rời thành phố Hạ Long, chúng tôi về thị xã Móng Cái, quê hương Anh hùng Ðào Phúc Lộc. Tại đây, chúng tôi có một cuộc gặp mặt thân mật với nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã từng hoạt động dưới sự chỉ huy của nhà tình báo Ðào Phúc Lộc.
Bà Trần Thị Lan, người đã từng được ông Ðào Phúc Lộc giao nhiệm vụ đơn tuyến, kể về những ngày đầu tiên đi theo cách mạng: "Ngày nhỏ, tôi được mẹ kể cho nghe câu chuyện anh Lộc đã đến từng nhà để vận động họ đi theo cách mạng. Và sau này, cũng chính từ anh mà tôi đã bí mật đi theo tiếng gọi của Ðảng. Khi biết tin tôi trốn nhà đi làm cách mạng, anh Ðạo cho gọi tôi lên Hà Nội và giao nhiệm vụ thay đổi khóa mật mã, cứ một tuần phải thay đổi các chữ số một lần, liên tục như vậy trong sáu tháng trời. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nhận được sự động viên và lời chỉ bảo tận tình của anh. Sau đó anh nhận lệnh vào nam, còn tôi thì hoạt động tình báo ở Thanh Hóa và cũng từ đấy tôi không nhận được tin tức gì về anh. Hòa bình lặp lại, gặp chị Kíu, tôi mới biết tin anh đã hy sinh"...
Bà Lan còn kể cho chúng tôi câu chuyện về "cách dùng người" của ông Ðào Phúc Lộc: "Anh Lộc chủ yếu chọn những người đồng hương để thuận lợi trong công việc. Mặt khác, những người này còn biết tiếng Trung Quốc, nên có khả năng thâm nhập các tổ chức của địch và điều quan trọng nữa, đó là họ không phải là người Hà Nội, do vậy không sợ bọn chúng biết mặt. Khi ấy bọn Quốc dân đảng hoạt động rất mạnh. Ðể có thể trà trộn vào hàng ngũ kẻ thù nắm bắt thông tin, anh chọn nhiều thanh niên quê Móng Cái, cho làm nhiều việc khác nhau. Anh còn đào tạo cả những em bé đánh giày trở thành người tình báo. Chính những em bé ngồi đánh giày tại quán ăn, nhà hàng hay công viên sẽ là người nắm bắt thông tin của kẻ địch về báo lại để tổ chức biết, lên kế hoạch hoạt động cho kịp thời, phù hợp".
Bà Hoàng Thị Nhân (tức Nam) năm nay 87 tuổi, trí nhớ đã giảm. Nhưng khi chúng tôi đưa cho bà xem tấm ảnh chụp trước ngày ông Lộc hy sinh, những kỷ niệm về quá trình hoạt động cách mạng cùng người thủ trưởng của mình đã dần dần hiện lại trong ký ức của bà: "Anh Lộc rất khôi hài và tình cảm, trái hẳn với bề ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của anh. Ngày ấy chị Phụng mới sinh cháu Minh Vân, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Thế nhưng khi nói chuyện, anh Lộc không bao giờ nói về cuộc sống cá nhân của mình. Mỗi câu chuyện của anh đều gắn liền với công việc tình báo để chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm. Khi chị Phụng qua đời, anh Lộc nhận nhiệm vụ vào xây dựng mạng lưới tình báo ở miền nam. Anh nhờ tôi đưa Minh Vân tới một cơ sở cách mạng mà anh đã gây dựng trước đó. Nhìn ánh mắt của anh khi trao bé Minh Vân cho tôi, tôi hiểu tình thương bao la anh dành cho người con gái nhỏ bé tội nghiệp của mình. Và trong thâm tâm, tôi nhủ, phải đưa Minh Vân tới được với người đồng đội của anh".
Ðoàn tới thăm ông Trần Dưỡng, người chèo đò đưa ông Ðào Phúc Lộc trong những ngày từ Móng Cái sang Ðông Hưng (Trung Quốc) để xây dựng cơ sở cách mạng. Ông Dưỡng cho chúng tôi thăm lại ngôi nhà mà nhiều lần ông Lộc từng lưu lại trước khi xuống thuyền sang Trung Quốc. Không cầm được nước mắt, ông nói: "Chiến tranh kết thúc, tôi nghe tin anh mất tích. Cũng có người nói anh vượt biên bằng đường Côn Ðảo, tôi không tin. Nhưng không biết phải làm cách nào, tìm ai để có thể minh oan cho mình vì phần lớn những người hoạt động trong ngành tình báo thời gian đó đều đang bị kiểm soát gắt gao. Nghe tin Minh Vân đã tìm được mộ cha, tôi rất vui mừng và tôi hiểu rằng, từ nay người thủ trưởng, người anh thân thiết của chúng tôi đã được ghi nhận là Anh hùng".
Ðược gặp gỡ những nhân chứng từng một thời ông giao nhiệm vụ, những người con mang họ Ðào ở Quảng Ninh, tôi vô cùng cảm kích, bởi tất cả đều dành cho ông những tình cảm yêu thương sâu nặng, trân trọng và kính mến. Mặc dù đã vĩnh viễn đi xa, nhưng ông Ðào Phúc Lộc hẳn rất tự hào vì những người con của ông hôm nay đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, kế tục được truyền thống dòng họ và tấm gương của người cha. TP Hồ Chí Minh hôm nay có một con đường mang tên Hoàng Minh Ðạo và ở thị xã Móng Cái quê hương cũng có một con đường mang tên ông, đường Ðào Phúc Lộc. Dù là Ðào Phúc Lộc hay Hoàng Minh Ðạo, Năm Ðời, Năm Thu... đều là tên gọi của một Con Người đã vĩnh viễn nằm lại bên dòng sông Vàm Cỏ vào đêm Noel năm 1969.
Ngày 5-9-2008, chúng tôi tới dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Ðào Phúc Lộc (thành phố Móng Cái). Tại đây, bốn thế hệ của gia đình ông (ông Ðào Phúc Sơn, chị Ðào Thị Minh Vân, cháu ngoại Nguyễn Hồng Mai và chắt ngoại Ngọc Anh) đã trao tặng 60 triệu đồng để nhà trường xây dựng quỹ khuyến học Ðào Phúc Lộc cho các em chăm ngoan, học giỏi. Ðây là một việc làm đầy ý nghĩa để thế hệ trẻ Móng Cái hôm nay thi đua học tập, tiếp nối trọn vẹn ước mơ bình dị của Anh hùng Ðào Phúc Lộc trước lúc hy sinh.
Chắc chắn cuộc đời hoạt động gian lao và phong phú của ông Ðào Phúc Lộc (Hoàng Minh Ðạo, Năm Thu, Năm Ðời...) còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị, nhưng chỉ với những gì được biết qua mỗi câu chuyện kể về ông đã đủ kết lại trong tôi những xúc cảm trân trọng về một người con đã cống hiến trọn đời mình cho ngành tình báo quân sự Việt Nam.
Trở về Hà Nội từ mấy ngày nay mà kỷ niệm chuyến đi còn dằng díu trong tâm trí tôi. Và tôi hiểu rằng, cùng với thời gian, câu chuyện sẽ tiếp tục được khai thác và lan tỏa như một giá trị lịch sử, để thế hệ trẻ hôm nay mãi mãi nhớ về một người con Ðất mỏ.