Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4, tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế và trong nước; đại diện tổ chức tài chính uy tín trong nước và nước ngoài,…
Định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen khẳng định, bên cạnh việc tổ chức xuất bản các ấn phẩm Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng và tham gia vận hành Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Thời báo Ngân hàng còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, tổ chức các diễn đàn nghiên cứu, gợi mở cho cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
“Vấn đề tài sản bảo đảm ngân hàng cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, có những loại tài sản trước đây chưa được hình dung như tài sản số. Đây rõ ràng là một giá trị, được định lượng vì vậy có thể đưa ra làm tài sản bảo đảm, thế chấp cho khoản vay. Hay như trong việc phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh…, tín chỉ carbon cũng đã ra đời và có thể trở thành một loại tài sản bảo đảm”, bà Lê Thị Thúy Sen gợi mở vấn đề.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon.
Cụ thể như: Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025; Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam,...
“Đây là những thí dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi như tài sản số và tín chỉ carbon”, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh.
Về phía ngành ngân hàng, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính đang khẩn trương, tích cực nghiên cứu để đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm môi trường đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi xanh, vấn đề đặt ra hiện nay đó là liệu các loại tài sản mới như tài sản số, tín chỉ carbon có thể và sẽ được chấp nhận như thế nào với vai trò là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Chính vì vậy, hội thảo kỳ vọng sẽ tạo ra một diễn đàn thảo luận chuyên sâu về tài sản bảo đảm ngân hàng, nhất là những loại tài sản mới ở Việt Nam hiện nay. Hành lang pháp lý cho vấn đề này thế nào, có những rủi ro nào, cách thức triển khai nếu xác định tài sản bảo đảm có thể là tài sản số, tín chỉ carbon… Tất cả những vấn đề này sẽ được thảo luận dựa trên thực tiễn và kinh nghiệm từ quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm từ quốc tế, đại diện một số bộ, ngành, viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan tới vấn đề tài sản bảo đảm, hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn chuyên sâu, đa chiều, kết nối giữa lý luận và thực tiễn, giữa kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, giữa khung pháp lý và nhu cầu thị trường, để các cơ quan quản lý có thêm kênh thông tin tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách về vấn đề này”, bà Lê Thị Thúy Sen nêu rõ.
Cần xác lập địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng cho biết, tài sản số được hiểu là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Tài sản số không cần hình thức vật lý, tồn tại trên blockchain, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu; có thể chia nhỏ, lập trình, giao dịch toàn cầu, chống làm giả. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên số hóa.
“Hiện nay, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. Đây cũng là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai”, Tiến sĩ Lê Thị Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, tín chỉ carbon là loại tài sản gắn với xu hướng chuyển đổi xanh và được quan tâm ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang dần trở thành công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
“Chính vì vậy, nếu coi tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm ngân hàng, ngân hàng sẽ e ngại bởi khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào phải dựa trên cơ sở pháp lý được quy định rõ ràng. Hiện chưa có quy định pháp luật nào chỉ ra, ngoài các tài sản bảo đảm thông thường, truyền thống thì tín chỉ carbon, tài sản số có thể coi là tài sản bảo đảm”, bà Giang chia sẻ.
Từ vấn đề đó, bà Giang cũng nêu rõ: những gì đã tồn tại và ngày càng phát triển cho thấy sự hiện diện của tài sản số và tín chỉ carbon là thực sự cần thiết đối với đời sống. Trước hết, cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon, coi đây là loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hai loại tài sản này có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính...