<p>Trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia  và trật tự an toàn xã hội</p>

Học tiếng Mường để gắn bó với đồng bào vùng cao

NDO - Ðều đặn mỗi tuần hai buổi, vào những ngày nghỉ cuối tuần, lớp học tiếng Mường của Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thu hút đông đảo các học viên, đều là cán bộ dưới xuôi lên vùng cao công tác.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, làm quen với con chữ, cách phát âm và đánh vần... qua các buổi học, mỗi học viên đã hiểu thêm được phong tục, tập quán của người Mường, phục vụ công tác chuyên môn, gắn bó mật thiết giữa cán bộ công an và nhân dân.

Khi chúng tôi đến Công an huyện Tân Sơn, Ðại tá Nguyễn Khuyến, Trưởng Công an huyện cùng 36 cán bộ trong đơn vị đang học tiếng Mường, tại hội trường tầng 3 của trụ sở Công an huyện. Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thành lập lớp học tiếng Mường, Ðại tá Nguyễn Khuyến cho biết: Tân Sơn là huyện miền núi mới được thành lập từ năm 2007, có rất đông đồng bào Mường sinh sống. Sự bất đồng về ngôn ngữ  là một trở ngại lớn đối với cán bộ công an khi tiếp xúc vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu, tin tưởng vào đường lối chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Một tuần hai buổi, tranh thủ vào những ngày cuối tuần, lớp học tiếng Mường thu hút đông đảo các cán bộ người Kinh tham gia học. Ai cũng nghĩ, học tiếng Mường để phục vụ công tác chuyên môn và góp phần gắn bó mật thiết giữa cán bộ với đồng bào Mường, giúp họ hiểu biết về các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, học cách nuôi trồng các loại cây, con giống cho năng suất cao, từng bước xóa đói, tiến tới  giảm nghèo. Vì thế, mỗi cán bộ công an đều học tập  chăm chỉ, để tiếng Mường trở thành ngôn ngữ thứ hai của mình. Vậy là ngoài những giờ lên lớp, sau các giờ làm việc căng thẳng, các học viên lại sôi nổi luận bàn, số cán bộ người Mường đang công tác tại Công an huyện Tân Sơn, trở thành những trợ giảng đắc lực, giúp các học viên học tập thực hành, giao tiếp bằng tiếng Mường.

Thiếu tá Nguyễn Hải Tinh, Ðội trưởng CSÐT tội phạm hình sự Công an huyện Tân Sơn - một học viên của lớp học tiếng Mường chia sẻ: "Trước khi cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" được Bộ Công an phát động, Công an huyện Tân Sơn đã có phong trào "Công an Tân Sơn kỷ cương vững, phong cách tốt, vì nhân dân phục vụ". Bằng những phần việc cụ thể, mỗi cán bộ đều thực hiện theo tiêu chí "vì nhân dân phục vụ". Ở Tân Sơn, việc cán bộ Công an huyện đến tận nhà dân để lấy lời khai của người bị hại và các nhân chứng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Thiếu tá Tinh cho biết: Người dân vùng cao tốt lắm song lại hạn chế  về nhận thức pháp luật. Vì thế, có trường hợp là bị hại của vụ án nhưng khi được cơ quan điều tra triệu tập cũng chẳng ra, với lý do là không có xe máy... Vì thế, cán bộ trong Ðội điều tra hình sự phải lặn lội đến tận nhà người bị hại.

Ðể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, Trung tá Hà Kim Nghĩa, Ðội trưởng Quản lý hành chính và giao thông đã cùng đồng đội lặn lội đến 17 xã vùng cao, làm chứng minh nhân dân (CMND) cho bà con. Là người dân tộc thiểu số, Trung tá Nghĩa dễ dàng hơn trong cách giao tiếp và giải thích để bà con hiểu: Làm được CMND sẽ làm được bảo hiểm y tế, khi ốm đau đi bệnh viện được hưởng chế độ viện phí... Vì thế lần nào cũng vậy, khi biết có đoàn cán bộ Công an huyện lên làm CMND, bà con trong bản đã xếp hàng từ sáng sớm đợi đến lượt mình. Nhiều người già, lần đầu trong đời được có tấm CMND vui mừng lắm. Có cụ mang chục bắp ngô đến cảm ơn đoàn công tác. Trung tá Nghĩa kể: Trong những chuyến công tác này, anh và đồng đội đã kết hợp nhiệm vụ chuyên môn với việc tuyên truyền giúp đồng bào Mường hiểu về Luật Giao thông đường bộ với cách nói dễ hiểu và dễ thực hành như: đi xe máy với tốc độ vừa phải (đi khoảng 25 đến 30km/giờ); phải kiểm tra phanh xe... kết quả là, những tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Tân Sơn đã giảm một nửa số vụ so với cùng kỳ năm 2010.

Hiện Ban chỉ huy Công an huyện Tân Sơn đã thành lập hai câu lạc bộ, gồm: "Câu lạc bộ nghiệp vụ" là nơi để cán bộ, chiến sĩ trao đổi kiến thức, các tình huống nghiệp vụ và kinh nghiệm phá án; giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, về phong cách làm việc, phong tục tập quán và cán bộ giao lưu với nhau bằng tiếng Mường. Hay như câu lạc bộ thể thao và võ thuật đã kết hợp luyện tập điều lệnh đội ngũ với tổ chức thi đấu các môn thể dục, thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ công tác chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Những việc làm của Công an huyện Tân Sơn đã từng bước tạo dựng được hình ảnh đẹp của người cán bộ công an trong lòng nhân dân. 

Bài và ảnh:XUÂN MAI