Công trình cầu vượt sông Đáy là hạng mục trọng điểm thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I), được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 30/9/2019; Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 4/11/2020. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 682 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Cầu vượt sông Đáy có chiều dài 1,2km, mặt cắt ngang 12m, gồm 22 nhịp sử dụng kết cấu dầm liên tục theo phương pháp đúc hẫng cân bằng - một trong những công nghệ thi công cầu hiện đại nhất hiện nay.
![]() |
Hiện dự án cầu vượt sông Đáy đã hoàn thành 85% khối lượng. (Ảnh: YẾN TRINH) |
Phần nền móng sử dụng cọc khoan nhồi với chiều dài lớn nhất trên 100m. Cùng với đó, tuyến đường dẫn hai đầu cầu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường rộng 12m, tổng chiều dài toàn tuyến 3,25km.

Triển khai thi công cầu vượt sông Đáy nối 2 tỉnh Nam Định-Ninh Bình
Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng, trong đó toàn bộ 22 nhịp cầu chính đã được lao lắp xong. Các đơn vị đang tập trung hoàn thiện mặt cầu, lan can, hệ thống thoát nước và lớp nền đường K98. Nền đường K95 đã thi công hoàn chỉnh hơn 2km và các công trình phụ trợ đang được đẩy nhanh tiến độ.
Phát biểu tại Lễ hợp long, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình cho biết, ngay sau lễ hôm nay, chúng tôi sẽ xây dựng chi tiết tiến độ phần khối lượng còn lại, tăng cường thiết bị, máy móc, tổ chức thi công tăng ca, làm đêm, làm xuyên ngày lễ, ngày nghỉ với nỗ lực cao nhất. Các đơn vị thi công sẽ phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả, phấn đấu hoàn thành công trình đúng tiến độ vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2025.
![]() |
Các công nhân tiếp tục thi công phần khối lượng còn lại của dự án. (Ảnh: YẾN TRINH) |
Việc hoàn thành cầu vượt sông Đáy không chỉ góp phần quan trọng vào mạng lưới giao thông chiến lược của tỉnh, mà còn hình thành trục giao thông ven biển kết nối các hành lang kinh tế trọng điểm giữa ba tỉnh Ninh Bình-Nam Định-Thanh Hóa.
Công trình được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế biển, du lịch, logistics, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố quốc phòng-an ninh khu vực.
Dự án một lần nữa khẳng định quyết tâm của tỉnh Ninh Bình trong việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, đưa Ninh Bình trở thành đô thị di sản và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.