Kết quả và ý nghĩa hội nghị
Tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao P4G ngày 17/4, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đánh giá hội nghị là nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo có cùng quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Ethiopia sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao P4G lần thứ 5, dự kiến diễn ra vào năm 2027. Khẳng định ủng hộ hoàn toàn Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm, Thủ tướng Abiy cam kết sẽ tiếp tục phát huy những di sản mà các nước chủ nhà là Việt Nam, Colombia, Đan Mạch và Hàn Quốc đã gây dựng qua các kỳ hội nghị cấp cao.
Bà Robyn McGuckin, Chủ tịch điều hành P4G bày tỏ: “Là quốc gia chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức một kỳ Hội nghị cấp cao P4G đầy thành công và truyền cảm hứng”. Bà đồng thời đề cao cam kết của các nhà lãnh đạo với các hành động chống biến đổi khí hậu (BĐKH), thúc đẩy hợp tác đa phương và phối hợp chính sách hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Các đại biểu cũng nhất trí cao về việc chung tay xây dựng diễn đàn, biến cam kết thành hành động, biến ý tưởng thành các dự án cụ thể… hướng tới một tương lai bền vững.
Tại phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững ngày 17/4, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt những thách thức, tác động to lớn về BĐKH, môi trường suy giảm và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, do đó việc chuyển đổi năng lượng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm: “Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm các giải pháp chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ các đô thị lớn mà còn tới được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, định hình tương lai phát triển bền vững”.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, Hội nghị cấp cao P4G 2025 đã mở ra nhiều cánh cửa hợp tác mới, tiếp tục phát huy vai trò chất xúc tác tạo ra kết nối, ươm mầm các ý tưởng, sáng kiến mới, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác, hợp tác thực chất và lâu dài.
Tài chính xanh mang tính khơi nguồn
Trong phiên thảo luận “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định tầm quan trọng chiến lược của tăng trưởng xanh đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Theo ông, tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao năng lực chống chịu trước BĐKH.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, nhu cầu tài chính của Việt Nam để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2040 ước tính lên tới 368 tỷ USD. Vẫn còn những rào cản trong thị trường tài chính xanh tại Việt Nam như thiếu hệ thống phân loại rõ ràng, công bố chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) còn hạn chế, đồng thời tiêu chuẩn quốc tế còn quá cao so năng lực thị trường.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar, một trong những diễn giả tại phiên thảo luận về tài chính, khẳng định Hà Lan hỗ trợ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, quan hệ đối tác đã dẫn đến các sáng kiến thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua những dự án chung như cải tiến nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Đại sứ bày tỏ lạc quan về khả năng tạo lập các quan hệ đối tác mới giữa Việt Nam và Hà Lan, nhằm giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế cụ thể của Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức địa phương trong các sáng kiến này, ông Kees van Baar đưa ra một số mô hình cụ thể như chương trình Ready2Export của Hà Lan cung cấp chương trình đào tạo thực hành giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và sản xuất, thích ứng với các chính sách lớn của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, các diễn giả đã chỉ ra khoảng cách tài chính xanh trên toàn cầu vẫn còn lớn, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Do vậy, cần có các nguồn vốn mang tính khơi nguồn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết khoảng cách giới trong tiếp cận tài chính xanh…
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các hiệp định vay giữa Việt Nam với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) về cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng BĐKH, phục vụ phát triển bền vững, với tổng trị giá gần 400 triệu USD.