Tình hình tội phạm phức tạp và rủi ro an ninh đang diễn ra tại các trại tị nạn, trại di tản nội địa (IDP) thuộc hai phái bộ GGHB LHQ tại khu vực Abyei (UNISFA) và Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Đây cũng là khu vực có nhiều sắc tộc khác nhau, từ năm 2013, mâu thuẫn sắc tộc trở nên căng thẳng, dẫn tới khó khăn trong quá trình bảo đảm an ninh, an toàn.
Theo Đại tá Lê Quốc Huy, đại diện Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, công tác bảo đảm an ninh, an toàn vì vậy luôn đặt ở mức cao nhất. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, tổ công tác đều phải chủ động thực hiện tự bảo vệ an ninh, an toàn cho bản thân trong thời gian hoạt động tại phái bộ. “Thực tế khi xảy ra vụ việc rủi ro, chúng ta cũng đã có những biện pháp từ xa, lập tức ổn định tình hình, hạn chế rủi ro tối đa”, Đại tá Lê Quốc Huy cho biết.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình an ninh phức tạp, xung đột giữa các phe nhóm vũ trang, xung đột sắc tộc, dẫn đến tình trạng mất an ninh, cướp bóc, đe dọa an toàn khu vực, các phái bộ GGHB LHQ thường xuyên cảnh báo về tình hình an ninh và yêu cầu các lực lượng chú ý bảo đảm an toàn. “Thêm nữa, do tình hình chung của thế giới, việc cứu trợ nhân đạo cấp bách đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, lượng hàng hóa cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng này đã giảm đi rất nhiều. Hệ quả là xảy ra hiện tượng cướp bóc, thí dụ như cướp gia súc và cướp mùa màng”, Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng GGHB Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho hay.
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, đại diện Văn phòng GGHB Bộ Công an cho hay: “Chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của LHQ và quốc gia sở tại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quốc phòng và Công an Việt Nam, xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn, kể cả kế hoạch di tản khi tình hình bất ổn, cũng như liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để nhận hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết”. Đại tá Lê Quốc Huy cũng đánh giá cao vai trò và thành tích của lực lượng Công an Việt Nam trong hoạt động GGHB, được LHQ tín nhiệm và tin tưởng vào sự đóng góp của lực lượng Công an Việt Nam, thể hiện bằng những lời đề nghị Việt Nam cử ứng viên tham gia các vị trí tại các phái bộ khác.
Theo Trung tá Đinh Ngọc Lộc, Phó Chỉ huy Đội Cảnh sát GGHB LHQ, công tác chuẩn bị và huấn luyện lực lượng cảnh sát tham gia GGHB của Việt Nam, cụ thể là Đội Cảnh sát GGHB (VNFPU1) đang tập trung vào các nội dung như bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo. “Chúng tôi đã phối hợp các trung tâm huấn luyện của các nước khác như Italy, Indonesia… để nâng cao năng lực, chuẩn bị cho đơn vị Cảnh sát GGHB đạt các tiêu chuẩn của LHQ”.
Hoạt động GGHB LHQ là cơ chế đặc biệt dựa trên sự đóng góp của các quốc gia thành viên về nguồn lực và lực lượng, được đặt dưới sự chỉ huy của LHQ theo các quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ. Từ năm 1996, Việt Nam đã tham gia đóng góp nghĩa vụ tài chính hằng năm cho hoạt động GGHB LHQ. Đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và cán bộ công an đi thực hiện nhiệm vụ GGHB tại nhiều phái bộ.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác cứu trợ, cứu nạn, đặc biệt trong những tình huống rủi ro cũng hết sức được đề cao. Nội dung cứu nạn, cứu hộ, cũng như phòng cháy, chữa cháy nằm trong số 10 nội dung tác chiến được lên kế hoạch đào tạo và đang triển khai tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng năng lực GGHB của Bộ Công an. “Trong những nhiệm vụ LHQ giao cho đơn vị là bảo vệ thường dân, chúng tôi cũng có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn đối với thường dân khi họ gặp những vấn đề nguy hiểm trong phòng cháy, trong đám cháy, trong tai nạn ô-tô và trong tất cả các vấn đề liên quan. Ngoài ra, đây là nội dung hết sức quan trọng để bảo đảm cho bản thân cán bộ, chiến sĩ khi gặp những nguy cơ về tính mạng và sức khỏe, có thể tự cứu bản thân và trợ giúp đồng đội qua giai đoạn khó khăn nhất”, Trung tá Đinh Ngọc Lộc cho biết thêm.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu là chuyên gia GGHB, thành viên các tổ công tác Bộ Công an đã đề cập những vấn đề quan trọng liên quan việc triển khai lực lượng Công an Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ, với sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng tham gia. Qua đó nhấn mạnh kết quả đạt được chính là sự tin tưởng của LHQ đối với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.