Cơ duyên với “Bảo vật quốc gia của Việt Nam”
TS Võ Xuân Quế cho biết, cơ duyên đưa ông đến với việc sưu tầm và giới thiệu “Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài” là hết sức bất ngờ. Do gia đình ông sống và làm việc tại Phần Lan, ông và vợ - nhà văn, TS Bùi Việt Hoa đều nghiên cứu ngôn ngữ, dịch thuật văn học, làm cầu nối văn hóa Việt Nam - Phần Lan, nên cuối năm 2019, bà Đặng Thị Hải Tâm từ Hà Nội khi sắp sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam ở Phần Lan, đã trao đổi với TS Võ Xuân Quế. Bà Tâm mong thực hiện một số việc về văn hóa, văn học, trong đó mong vợ chồng TS Quế phối hợp với sứ quán dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Phần Lan.
“Nhật ký trong tù” bằng tiếng Phần Lan vốn đã được xuất bản ở nước bạn từ hơn nửa thế kỷ, do một nhà thơ rất nổi tiếng của Phần Lan thực hiện. Tuy nhiên, TS Quế nảy ra sáng kiến tìm hiểu xem bản dịch này đã được biết đến ở Việt Nam chưa? Và các ngôn ngữ Bắc Âu khác đã có bản dịch “Nhật ký trong tù” chưa? Rồi các bản dịch này đã được biết đến ở Việt Nam chưa?
Từ năm 2019 đến nay, TS Quế với sự giúp sức của vợ và hai con gái, đã đổ nhiều công sức tìm câu trả lời. “Dự án gia đình” dự kiến chỉ tìm hiểu “Nhật ký trong tù” được dịch và xuất bản tại khu vực Bắc Âu, bất ngờ được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Hai cô con gái đã nhờ bạn bè giúp ba tìm mua sách, dịch tư liệu từ các ngôn ngữ Ba Tư, Ả Rập, Thụy Điển.
Theo TS Quế, kể từ sau khi được dịch ra chữ Quốc ngữ và phổ biến đến công chúng, khó có tác phẩm văn học Việt Nam nào được xuất bản và nghiên cứu nhiều như “Nhật ký trong tù”. Hơn thế nữa, ngay sau khi được biết đến với công chúng Việt Nam, “Nhật ký trong tù” cũng được giới thiệu với công chúng nước ngoài qua bản dịch tiếng Nga và tiếng Pháp. Nhưng khi ông tìm đọc thì nhận thấy các bài viết cũng như sách về đề tài “Nhật ký trong tù” bằng tiếng nước ngoài không có nhiều như mong đợi. Có một vài bài nhắc đến các tiếng Đan Mạch, Thụy Điển đã có bản dịch, song không thấy nói đến tên bản dịch hay tên dịch giả. Còn tiếng Na Uy đã có bản dịch đã xuất bản hơn nửa thế kỷ cũng chưa được biết đến.
TS Quế đã dành 5 năm sưu tầm bản dịch “Nhật ký trong tù” tiếng nước ngoài. Ông tìm kiếm trên nhiều phương tiện, đi đến nhiều nơi, nhiều quốc gia, nhận được sự giúp đỡ của nhiều trường đại học, nhiều thư viện quốc gia của các nước, nhiều nhà thơ-dịch giả và gia đình họ. Ông cũng tìm đến các hiệu sách có bán các bản dịch, tự mình đặt mua, nhờ người quen ở các nước mua giúp. Cứ thế công việc dần mở rộng và kéo dài đến khi đủ tư liệu để ra mắt cuốn sách quý này tại Việt Nam.
Những điểm nổi bật của công trình mới
TS Võ Xuân Quế khẳng định, trong cuốn sách này, ông xác định đối tượng sưu tầm và giới thiệu nhất quán: Chỉ sưu tầm và giới thiệu những bản dịch bằng tiếng nước ngoài, không sưu tầm các bản dịch sang các ngôn ngữ của Việt Nam (như bản dịch chữ Quốc ngữ hay bản phiên âm sang tiếng Thái), cũng như nguyên bản chữ Hán được in ở Trung Quốc (như các công trình trước đây).
Cuốn sách đã công bố số lượng bản dịch sưu tầm được phong phú nhất từ trước đến nay: 37 ngôn ngữ (so 25 ngôn ngữ của một số công trình trước) với 62 bản dịch của 79 dịch giả. Trong số đó có 15 bản dịch chưa được biết đến và giới thiệu ở Việt Nam. Đặc biệt sách đã cung cấp những thông tin cần thiết về bản dịch của các ngôn ngữ: Tên bản dịch, tên dịch giả, tên NXB, năm và nơi xuất bản, số trang và ngôn ngữ nguồn của bản dịch. Đây cũng là công trình đầu tiên sưu tầm và giới thiệu một số bản nhạc được thực hiện từ các bản dịch “Nhật ký trong tù” tiếng nước ngoài. Tác giả cũng đã kỳ công xác minh, giúp đính chính và bổ sung một số thông tin thiếu chính xác của một số công trình đã có trước đây.
TS Quế còn kết nối với một số dịch giả của một số bản dịch hiện còn sống để tìm hiểu thêm về dịch giả và bản dịch của họ, như dịch giả các ngôn ngữ: Bengali (Ấn Độ và Bangladesh), Anh, Sinhali (Srilanka), Malayalam (Ấn Độ). Ông còn đi đến một số nơi ở Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch để tìm hiểu về tác giả và bản dịch.
Bất ngờ thú vị, ấn tượng đặc biệt
Trong các ngôn ngữ đã có bản dịch “Nhật ký trong tù”, ông thú vị với 2 ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Tây Ban Nha: Basque và Galicia, ở rất xa Việt Nam. Thú vị nữa là TS Quế phát hiện thêm một số dịch giả “Nhật ký trong tù” đã từng đến Việt Nam mà trước đây ta chưa được biết, nhưng lại có dịch giả lâu nay được nói đã dịch “Nhật ký trong tù” ở Việt Nam, song sự thật chưa đến Việt Nam, là Aileen Palmer, dịch giả bản tiếng Anh “Prison Diary” nổi tiếng.
Một trường hợp khác là nhà thơ Iraq, Sargon Boulus, dịch giả “Nhật ký trong tù” tiếng Ả Rập, bản dịch là cuốn sách đầu tiên của ông, được xuất bản ở Beirut năm 1968. Nhờ đến Beirut và có kiến thức về các nhà thơ thuộc thế hệ Beat ở Mỹ mà ông được đến Mỹ và gặp một dịch giả NKTT tiếng Anh, Kenneth Rexroth và trở thành thân thiết.
TS Quế cũng đã kết nối với 5 dịch giả “Nhật ký trong tù” hiện còn sống: Hai dịch giả ở Ấn Độ, một ở Anh, một ở Bangladesh và một ở Srilanka. Trong số này hai dịch giả đã cao tuổi là John Birtwwhistle (Anh) và Koyamparambath Satchidanandan (Ấn Độ). K.Satchidanandan là nhà thơ, dịch giả tiếng Malayalam nổi tiếng, từng có tên trong danh sách được đề cử Nobel văn chương. Bản dịch “Nhật ký trong tù” tiếng Malayalam của ông xuất bản lần đầu năm 1976 và thật ấn tượng khi tính đến năm 2021 đã được tái bản đến bảy lần với các NXB khác nhau.
Tìm hiểu các bản dịch “Nhật ký trong tù” tiếng nước ngoài mà TS Võ Xuân Quế sưu tầm được, ông nhận thấy thông qua các bản dịch, bạn đọc nước ngoài hiểu thêm về Hồ Chí Minh ở một khía cạnh khác: Một nhà thơ, một nghệ sĩ, khác với hình ảnh họ chỉ biết về Hồ Chí Minh trước đó là nhà cách mạng, hiến dâng cả cuộc đời đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn, năm 1968, từ bản dịch tiếng Anh “Prison Diary” báo The Nation của Mỹ đã có bài giới thiệu với tựa đề “Vị lãnh tụ của Việt Nam cũng là một nhà thơ - The Vietnamese leader is also a poet”.
Từ Lời giới thiệu các bản dịch của các dịch giả, chúng ta được biết lý do vì sao họ dịch “Nhật ký trong tù” sang ngôn ngữ của họ. Chẳng hạn, “nhà thơ huyền thoại của Phần Lan”, dịch giả "Nhật ký trong tù" tiếng Phần Lan đã viết: “Tôi dịch Nhật ký trong tù vì đây là những bài thơ hay, vì tôi khâm phục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người đã giành được thắng lợi”. Hoặc hai vợ chồng dịch giả của bản tiếng Ba Lan, viết trong Lời nói đầu: “Với những bài thơ ngắn, thường chỉ bốn câu, Hồ Chí Minh đã vẽ nên những bức tranh chân thực về sự đau khổ của mình và các bạn tù một cách hài hước và thâm thúy. Những bài thơ súc tích của Người là những kiệt tác nhỏ”. Hay một dịch giả khác đã dịch “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh trong vòng bảy năm liền, là dịch giả tiếng Galicia, đã viết trong Lời nói đầu: “Bất chấp khổ đau, bệnh tật và những nỗi ghê sợ vây quanh mình, Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sức mạnh để viết nên những bài thơ lạc quan và hài hước. Những bài thơ ngắn được ông dệt nên một cách tài tình trong bóng tối của phòng giam. Nhà thơ và nhà cách mạng hòa quyện là một trong ông”.
Một trong những độc giả đầu tiên của “Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài” là GS, TS Nguyễn Huy Hoàng, từ Liên bang Nga, GS Hoàng đã cho chúng tôi biết: “Công trình sưu tầm và giới thiệu các bản dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng nước ngoài do tác giả Võ Xuân Quế biên soạn là một công trình khoa học với đúng nghĩa nhất của từ này.
Qua công trình này, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng, tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới.