Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ

Thực hiện đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên có hơn 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử với hơn 180.000 sản phẩm và hơn 12.000 giao dịch…; góp phần thúc đẩy hướng phát triển mới của ngành thương mại-dịch vụ trong kỷ nguyên số.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến, thành phố Hưng Yên mở kênh bán hàng trên nền tảng xã hội Facebook, Zalo...
Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến, thành phố Hưng Yên mở kênh bán hàng trên nền tảng xã hội Facebook, Zalo...

Giám đốc siêu thị The City, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên Ngô Thị Hoa cho biết: Người tiêu dùng đến siêu thị mua hàng không cần phải mang theo tiền mặt mà thay vào đó sẽ được thanh toán bằng ví điện tử hoặc chuyển khoản…

Siêu thị cũng áp dụng các chương trình mua, đặt hàng online thông qua website hoặc app… nên người dân ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu cũng có thể mua hàng, nhờ đó đã mở rộng được nhiều đối tượng khách hàng, doanh thu hằng tháng luôn duy trì mức tăng trưởng tốt. a

Không chỉ siêu thị, trung tâm thương mại lớn, tại các cửa hàng nhỏ, cơ sở bán lẻ truyền thống cũng từng bước ứng dụng thương mại điện tử, nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến, thành phố Hưng Yên Bùi Thị Hường cho biết: “Chúng tôi lập các kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo..., khách hàng ở trong và ngoài tỉnh đặt mua trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tăng lên nhanh chóng, doanh thu tốt hơn so với bán truyền thống trước đây”.

Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số vào hoạt động xúc tiến thương mại, như: Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử để đưa các sản phẩm hàng hóa và thực hiện bán sản phẩm thông qua môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử; đầu tư, ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử thông qua các giải pháp maketing online, tối ưu hóa hiển thị doanh nghiệp trên công cụ tìm kiếm, tham gia quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.

Xây dựng và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử với tên miền http://ecomhungyen.vn là cầu nối giữa doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước; là công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc góp phần chuyển tải cơ hội kinh doanh nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm.

Hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh cũng được các sở kết hợp ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá nông sản đặc trưng đến gần hơn với khách hàng, tiêu biểu là hoạt động livestream quảng bá nhãn lồng và nông sản đặc trưng của tỉnh trên các nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử trong thời gian diễn ra sự kiện Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên hằng năm, thu hút hàng chục nghìn lượt xem và chia sẻ...

Anh Nguyễn Thanh Tùng ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: “Vào vụ thu hoạch nhãn, tôi thường đặt mua nhãn của nhà vườn ở thành phố Hưng Yên qua mạng xã hội. Khi mua hàng, tôi được cung cấp mã QR để kiểm tra các thông tin của sản phẩm, chủ vườn quay trực tiếp quá trình thu hoạch, đóng gói và gửi sản phẩm nên rất yên tâm về chất lượng.

Chuyển đổi số đã mang lại cho hoạt động thương mại, dịch vụ của Hưng Yên những khởi sắc mới. Năm 2024, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt khoảng 50%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử hơn 50%; tỷ lệ giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử 60%; tỷ lệ xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến 100%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử 46%...

Theo đó, năm 2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 129.000 tỷ đồng, vượt gần 36% so với kế hoạch năm; trong đó tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ khoảng 5,3%. Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 10/58 tỉnh, thành phố trên cả nước với 27 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2023.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực cho phát triển thương mại điện tử, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục vận động và khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh tiếp cận, ứng dụng các phần mềm công nghệ trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng số; thúc đẩy ứng dụng hợp đồng, hóa đơn, khai báo và nộp thuế điện tử...

Hưng Yên phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh có 100% số trung tâm thương mại, 80% số cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.

Tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, ký điện tử đạt hơn 50%; tất cả các thôn, xóm đang lõm sóng được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ internet cáp quang băng rộng...