Chuyển đổi số mạnh mẽ ở Hải Dương

Chuyển đổi số tại tỉnh Hải Dương đang diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ. Với sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, sự hợp tác tích cực của người dân, doanh nghiệp, tỉnh kỳ vọng sẽ trở thành một trong những địa phương điển hình trong ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương luôn thu hút đông cán bộ, người dân và doanh nghiệp viễn thông tham gia.
Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương luôn thu hút đông cán bộ, người dân và doanh nghiệp viễn thông tham gia.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là qua đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định lấy ngày 26/3 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh.

Ngày Chuyển đổi số lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 26/3/2022 có chủ đề “Chuyển đổi số hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”; năm 2023 là “Kết nối, chia sẻ dữ liệu hướng tới hoàn thiện Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số”; năm 2024: “Chuyển đổi số kiến tạo mô hình công dân số”.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ cho biết: Giai đoạn này, Hải Dương có nhiều nỗ lực triển khai và ứng dụng chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nông nghiệp có các mô hình ứng dụng công nghệ số trong tưới tiêu, truy xuất nguồn gốc nông sản đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Các ngành y tế, giáo dục triển khai nhiều ứng dụng như: Quản lý bệnh viện, xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, đặt lịch khám bệnh trực tuyến; ứng dụng giảng dạy trực tuyến, quản lý trường học, học bạ điện tử, xây dựng và khai thác hệ thống kho học liệu số trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển đổi số đã góp phần kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tìm kiếm đối tác; quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm.

Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hải Dương đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính; kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC.

Tỉnh đã tích hợp 543 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.960 thủ tục hành chính, gồm 335 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 664 dịch vụ công trực tuyến một phần, 961 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Cổng dịch vụ công Hải Dương đứng thứ 7 toàn quốc.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, thực hiện Chương trình chuyển đổi số năm 2025, Hải Dương chủ động triển khai dự án “Đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực thông tin, truyền thông phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhất là xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ 5G tại các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, Hải Dương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp theo hướng xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, đồng thời phát triển kỹ năng số cho người lao động.

Về hệ thống giao thông thông minh, tỉnh tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ; cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số... Công nghệ số cũng được ứng dụng toàn diện trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán; cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển, đổi mới sáng tạo.

Trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, tỉnh khuyến khích cộng đồng tham gia sáng tạo, sản xuất các sản phẩm văn hóa số tích cực, lành mạnh, hướng thiện trên môi trường số; phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy, học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.