Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ các giải pháp cần tập trung thực hiện. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số thì việc đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng số được xem là giải pháp quan trọng, có vai trò quyết định thành công của chương trình.
Ðể triển khai hiệu quả, thời gian qua, tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị viễn thông đẩy mạnh phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn với việc phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G, 5G, phổ cập thuê bao cáp quang tại các hộ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về những lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sử dụng các dịch vụ thiết yếu...
Từ đó, phục vụ đắc lực cho các xã trong thực hiện chỉ tiêu liên quan đến tiêu chí thông tin và truyền thông, y tế, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, hành chính công trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Bình Lục được tỉnh Hà Nam giao nhiệm vụ hoàn thành về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2025, do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp viễn thông xây dựng, lắp đặt bổ sung các trạm thu phát sóng di động để nâng cao chất lượng dịch vụ mạng, hằng năm, UBND huyện đều có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tin học. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát cơ sở vật chất máy móc, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện công tác chuyên môn, xử lý văn bản trên môi trường mạng.
Ðến nay, 100% số cán bộ, công chức tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện và hơn 90% số công chức cấp xã, thị trấn được trang bị máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin khác để phục vụ công việc. Hệ thống thông tin cơ sở của huyện bảo đảm hoạt động thông suốt.
100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện sử dụng các nền tảng số dùng chung. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình các thành viên có điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang đạt hơn 95%.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng nội bộ và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100% và cấp xã là 85%, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố...
Ông Nguyễn Ðức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ðể phát triển, hoàn thiện hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, UBND tỉnh Hà Nam đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số và Ðề án 06 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Dự án mua sắm thiết bị phục vụ chuyển đổi số và Ðề án 06 trong lực lượng công an giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh triển khai nền tảng bản đồ số để cung cấp dịch vụ, phát triển các ứng dụng, dịch vụ dựa trên nền bản đồ, phục vụ quản lý nhà nước và các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ðồng thời, tập trung phát triển các nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Xác định rõ mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Tỉnh phấn đấu hơn 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu về thông tin và truyền thông, hơn 60% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu, tiêu chí về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, hơn 70% số xã có hợp tác xã tham gia mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã; 100% số huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện, trong đó có 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…