Hướng dẫn về bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng từ ngày 1/7/2025

Mức đóng, phương thức đóng, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như điều kiện để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu… là những nội dung đáng chú ý trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội khu vực I vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. (Ảnh HSS)
Cán bộ Bảo hiểm xã hội khu vực I vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. (Ảnh HSS)

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 11/2025/TT-BNV ngày 30/6/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi tắt là Thông tư số 11/2025).

Thông tư này quy định chi tiết khoản 8 Điều 33, khoản 4 Điều 101 của Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 159/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 159/2025).

Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến chính sách này.

Quy định với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu

Thông tư số 11/2025 quy định rõ về mức đóng, phương thức đóng và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, người lao động chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức đóng, phương thức đóng và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:

Thứ nhất, mức đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội, tức là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thứ hai, phương thức đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 159/2025.

Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: Hằng tháng, 3 tháng/6 tháng/12 tháng một lần; hoặc một lần cho nhiều năm về sau; hoặc một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với công thức quy định riêng cho từng trường hợp.

Thời hạn đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể là: Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; Trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; Trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; Trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần; Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng một lần cho nhiều năm về sau; Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng sớm nhất là tháng trước liền kề tháng người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Điều kiện hưởng lương hưu với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây.

Thứ nhất, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội (đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên).

Thứ hai, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 9 Điều 141 của Luật Bảo hiểm xã hội (người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024).

Thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Với trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang trong thời gian thực hiện một trong các phương thức đóng 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mà đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và có yêu cầu hưởng lương hưu, thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm2024 có hiệu lực thi hành và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện kể từ ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên, đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện kể từ ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 7 của Nghị định số 159/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu.

Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ có năm sinh) của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Trong đó, tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 1/1 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thông tư số 11/2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trước đó, ngày 26/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Một trong những chính sách nổi bật của Nghị định này là là tăng mức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định số 159/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Bằng 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bằng 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; Bằng 30% đối với người tham gia là người dân tộc thiểu số; Bằng 20% đối với người tham gia khác.

Mức hỗ trợ này đã tăng nhiều so với quy định được áp dụng theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015. Trước đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Nghị định số 159/2025 cũng nêu rõ, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất.

Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai chính thức từ ngày 1/1/2008. Sau gần 18 năm đi vào cuộc sống, ước tính đến hết tháng 6 năm 2025, cả nước đã có gần 2,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Có thể bạn quan tâm

back to top