Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước bởi đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Kazakhstan.
Khi Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa tới Thủ đô Astana, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ra tận sân bay đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu, bày tỏ sự trân trọng và tình cảm thân tình, nồng ấm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất - phần thưởng cao quý của Nhà nước và nhân dân Kazakhstan.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất
Mặc dù xa cách về địa lý, nhân dân Việt Nam và nhân dân Kazakhstan luôn dành cho nhau những tình cảm gắn bó, thân thiết.
Năm 1992, Việt Nam và Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng khi Người sang thăm nước bạn vào năm 1959.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của bạn.
Gần đây nhất, bạn đã chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục khó khăn do hậu quả cơn bão Yagi (tháng 9/2024). Tình cảm sâu đậm ấy luôn được Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng nhắc tới trong những ngày thăm Kazakhstan.
Kazakhstan có ngành công nghiệp phát triển, có chính sách kinh tế-thương mại theo hướng mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, có vị trí thuận lợi trong việc kết nối giữa châu Á và châu Âu.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, thúc đẩy cải cách về thể chế phát triển để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp hiện nay.
Với tiềm lực, tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước hiện nay, ngoài những lĩnh vực hợp tác truyền thống như giao thông-vận tải, nông nghiệp, giáo dục, Việt Nam và Kazakhstan có nhiều hướng hợp tác mới phù hợp với xu thế quốc tế.
Hai bên có thể hợp tác để cùng phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, khai thác, chế biến, chế tạo, hóa chất, năng lượng, hóa dầu…; hay hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá như công nghệ xanh, các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử.
Chuyến thăm Kazakhstan lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa củng cố tình hữu nghị truyền thống, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng.
Chuyến thăm đã trở thành sự kiện lịch sử trong quan hệ của hai nước với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, mở rộng cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc hơn nữa để các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev bày tỏ tự hào là nước đối tác chiến lược đầu tiên tại khu vực Trung Á của Việt Nam và khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, kinh doanh tại Kazakhstan. Kazakhstan sẽ tăng cường nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như may mặc, da giày.
Trong thực tế, các lĩnh vực năng lượng-khai khoáng, vận tải-logistics, tài chính, du lịch, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ đều đã được đánh giá sẽ là những điểm sáng trong quan hệ hai nước trong thời gian tới và là trọng tâm phát triển kinh tế của hai quốc gia.
Nông nghiệp là ngành chiến lược của cả hai nền kinh tế, có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác.
Kazakhstan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập khu vực Trung Á và châu Âu. Hiện, Kazakhstan đang triển khai nhiều chương trình, sáng kiến kết nối nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm quá cảnh và logistics tại Trung Á, nhất là trung tâm vận chuyển hàng hóa đường bộ nối liền Trung Quốc với châu Âu.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam và Kazakhstan có dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau chưa nhiều nhưng thời gian gần đây ngày càng tăng. Thị trường Kazakhstan đang có sức thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đến đầu tư.
Để thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, điện tử... sang Kazakhstan và từ Kazakhstan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông-Tây và Bắc-Nam bởi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Kazakhstan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Hàng hóa của Kazakhstan thông qua Việt Nam có thể thâm nhập ASEAN và những khu vực thị trường mà Việt Nam có quan hệ.
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho rằng, đều là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu, cho nên hai nước có nhiều lợi thế để hợp tác kinh tế-thương mại.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường cung cấp rau quả cho thị trường Trung Á rộng lớn thông qua Kazakhstan bởi khu vực này có đến gần nửa năm trong một năm là mùa đông khắc nghiệt, rất khó để trồng trọt.
Ngược lại, Kazakhstan có thể đem đến nguồn thịt bò, thịt cừu vốn có giá cao tại Việt Nam, nhưng lại khá dồi dào và giá thành thấp hơn ở Kazakhstan. Việc này còn có thể thực hiện dễ dàng hơn nếu tuyến vận chuyển đường sắt được hình thành, kết nối Việt Nam với Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và đến các nước châu Âu.
Tại những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trong câu chuyện chia sẻ với bạn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam và Kazakhstan có những điểm tương đồng về vị trí địa chiến lược, lịch sử phát triển và văn hóa, đều đề cao truyền thống hiếu học, lòng hiếu khách cũng như tinh thần đoàn kết.
Hai nước cùng có nền văn hóa gắn bó với thiên nhiên và lối sống truyền thống độc đáo. Việt Nam có nền văn minh lúa nước gắn với hệ thống sông ngòi, đồng bằng và nhịp sống theo mùa vụ trồng trọt, chăn nuôi, trong khi Kazakhstan có văn hóa du mục gắn với thảo nguyên bao la và chăn thả gia súc.
Hai bên đều vượt qua những giai đoạn kinh tế khó khăn và đã vươn lên mạnh mẽ nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… Đây là những điều mà hai bên có thể chia sẻ, bổ sung tạo thế mạnh cho nhau để cùng phát triển toàn diện, bền vững.
Với chia sẻ ấy, phát biểu tại Học viện Hành chính công trực thuộc Tổng thống Kazakhstan, Tổng Bí thư đề nghị hai nước cần thúc đẩy 5 “kết nối” trong thời gian tới.
Đó là kết nối con người, bao gồm kết nối giữa lãnh đạo hai nước, kết nối giữa các cơ quan và kết nối giữa nhân dân hai nước. Kết nối hai nền kinh tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên. Kết nối về cơ sở hạ tầng, giao thông-vận tải, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như năng lượng, nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý của hai nước. Kết nối chính sách thông qua hợp tác về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết nối liên khu vực, phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng của hai nước để mở rộng hợp tác giữa Đông Nam Á và Trung Á, đồng thời nâng cao vị thế, tiếng nói của các nước phương Nam.
Tháng 5 là mùa mà thời tiết đẹp nhất ở cả Việt Nam và Kazakhstan, thu hút nhân dân qua lại thăm thú, thưởng ngoạn vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên độc đáo của mỗi nước. Kazakhstan ngập tràn ánh nắng ấm áp trải dài trên những thảo nguyên mênh mông bất tận. Việt Nam vào mùa du lịch biển với những bãi biển xanh trong, rực rỡ, sôi động.

Tổng Bí thư Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan
Kể từ khi Hiệp định miễn thị thực song phương cho người mang hộ chiếu phổ thông (có hiệu lực vào tháng 5/2024) và có những đường bay thẳng giữa Việt Nam và Kazakhstan, hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân được tăng cường. Đã hình thành “làn sóng du lịch” của người dân ở khu vực Trung Á đến Việt Nam với số lượng khoảng 150 nghìn lượt người/năm đi từ Kazakhstan. Lượng du khách từ Kazakhstan sang Việt Nam năm sau cao hơn năm trước và dự kiến tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, ước tính đạt hơn 300 nghìn lượt người/năm.
Thành quả của nhiều thập niên hợp tác, gắn bó cộng với những xung lực mới của quan hệ Đối tác chiến lược là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Kazakhstan phát huy thành công mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia