Từ các góc nhìn khác nhau, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều quan điểm sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thiện chính sách hình sự, bảo đảm tính nhân đạo nhưng vẫn giữ được tính nghiêm minh, công lý và sự răn đe trong thi hành pháp luật.
Cân nhắc thận trọng việc bỏ án tử hình
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự luật cho biết: Việc sửa đổi lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp các cam kết quốc tế và yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, đề xuất bỏ án tử hình đối với tám tội danh, bao gồm cả tội vận chuyển trái phép chất ma túy là một bước đi phù hợp xu hướng quốc tế.
Theo số liệu báo cáo, tính đến năm 2024, đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bãi bỏ án tử hình trên phương diện luật định hoặc thực tiễn. Nếu Quốc hội đồng thuận, số tội danh có hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự sẽ giảm từ 18 xuống còn 10 - so với con số 44 tội vào năm 1985, 29 tội năm 1999, và 18 tội theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Dự thảo có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cơ quan tố tụng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Chính phủ xác định rõ, việc bỏ án tử hình không đồng nghĩa với nới lỏng trừng phạt. Với những hành vi nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán ma túy vẫn còn giữ hình phạt tử hình - như vậy sẽ bảo đảm không tạo kẽ hở pháp lý trong xử lý tội phạm.
Xem xét giữ án tử hình để răn đe
Tuy vậy, các đại biểu Quốc hội vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc giữ hay bỏ hình phạt cao nhất này. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thẳng thắn phản đối việc bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển ma túy. Theo đại biểu, trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng, thì “việc giảm nhẹ hình phạt là không có logic”. Đại biểu đặt câu hỏi: “Chúng ta từ bi với tội phạm ma túy, vậy thân nhân của những nạn nhân đã chết do ma túy sẽ cảm nhận thế nào?”.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Tội vận chuyển ma túy là “anh em song sinh” với tội mua bán, sản xuất ma túy. Nếu không có người vận chuyển, thì không có người sử dụng”. Đại biểu này đề xuất giữ hình phạt tử hình để giữ tính răn đe cao nhất.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bỏ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ
"Luật phải bảo vệ người yếu thế trước tiên"
Một vấn đề mang tính triết lý pháp lý được đặt ra trong phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi thiết kế luật hình sự, cần xác định rõ ràng: Chúng ta bảo vệ ai và ưu tiên bảo vệ ai? Theo ông, pháp luật, đặc biệt là luật hình sự, cần đặt trọng tâm bảo vệ những người yếu thế, như trẻ em, người già, người bệnh, người nghèo... là những người không có điều kiện tự vệ.
Ông Nghĩa cũng phản biện lập luận cho rằng nên bỏ án tử hình vì thực tế ít áp dụng, và nêu ý kiến: Chính vì có mức án tử hình nên nhiều người phạm tội e dè, không dám vượt giới hạn. Việc giữ án tử hình trong một số trường hợp chính là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bảo đảm công lý và trật tự xã hội.
Ở góc nhìn nhân đạo và cải tạo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển ma túy và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án. Nữ đại biểu cho rằng, nhiều trường hợp phạm tội do bị dụ dỗ, thiếu hiểu biết pháp luật, bị thúc đẩy bởi hoàn cảnh nghèo khó, thất học. Theo đó, hình phạt tù chung thân không giảm án vẫn thể hiện sự nghiêm khắc cần thiết, đồng thời mở ra cơ hội cải tạo cho những người có khả năng hoàn lương.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ các ý kiến đại biểu. Dự thảo Luật sẽ được hoàn chỉnh thêm về lập luận, bổ sung số liệu, dẫn chứng thực tiễn để trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Trao quyền cho điều tra viên là phó, trưởng công an xã
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét bổ sung các quy định liên quan điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo không còn ở Việt Nam, cụ thể là việc truy tố và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân quyết định truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài, không thể triệu tập.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) và một số đại biểu khác, đây là giải pháp căn cơ, quan trọng nhằm góp phần chấm dứt tình trạng nhiều vụ án bị tồn đọng, đặc biệt là tại khu vực án tham nhũng, kinh tế phức tạp.
Có ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế các quy định trên theo hướng chú trọng quyền bào chữa, quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội gắn với tính chất đặc biệt của thủ tục tố tụng vắng mặt. Cụ thể hơn, người bào chữa phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong tiếp cận sớm hồ sơ vụ án, tham gia các hoạt động tố tụng cần thiết, có đủ thời gian, nguồn lực để chuẩn bị và thực hiện việc bào chữa.
Liên quan các quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên được bố trí là trưởng công an hoặc phó trưởng công an cấp xã, các đại biểu nhất trí cho rằng, sau khi thực hiện sắp xếp không tổ chức công an cấp huyện, việc giao công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra viên là cần thiết.
Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất hình thành cơ quan điều tra các khu vực, có sự tương đồng với hoạt động cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tòa án và viện kiểm sát. Ngoài ra, cần rà soát kỹ lưỡng, quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng điều tra viên là trưởng công an, phó trưởng công an cấp xã nhằm bảo đảm phù hợp năng lực và hiệu quả thực tế về phòng chống tội phạm.
Đối với phương án mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân khu vực, các đại biểu cho rằng đây là quy định phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền, giúp giảm tải cho cơ quan tố tụng cấp trên, đồng thời mở ra hướng đi hiệu quả trong nâng cao tính chuyên nghiệp của toàn hệ thống. Mặc dù vậy, phương án trên đòi hỏi yêu cầu rất cao về năng lực của đội ngũ thẩm phán cũng như các chức danh tư pháp khác tại tòa án cấp khu vực.
Về quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự cấp quân khu có thể xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền cấp khu vực, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc dựa trên những lượng hóa cụ thể từ các tình tiết, tính chất vụ án.