Hương ước của buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông

Trong quá trình đô thị hóa, hương ước phát huy vai trò vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa cân bằng nhịp sống của buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình văn nghệ đón khách trong không gian nhà dài tại buôn Akŏ Dhông.
Chương trình văn nghệ đón khách trong không gian nhà dài tại buôn Akŏ Dhông.

Được UBND thành phố Buôn Ma Thuột công nhận cuối năm 2021, hương ước buôn Akŏ Dhông xây dựng trên nguyên tắc đề cao tính tự quản của cộng đồng dân cư. Là buôn nằm trong phố, Akŏ Dhông có quang cảnh sạch đẹp, gọn gàng và toát lên màu sắc văn hóa Ê Đê. Điểm nhấn của buôn là kiến trúc nhà dài truyền thống hòa mình dưới bóng cây xanh mát.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi Võ Thanh Phương cho biết: Akŏ Dhông được công bố là buôn du lịch cộng đồng từ đầu năm 2023. Buôn có 370 hộ, trong đó 84 hộ đồng bào dân tộc. Với lợi thế về không gian tự nhiên và tiềm năng về du lịch, hai năm trở lại đây, thành phố tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về làm du lịch đồng thời vận động người dân và cộng đồng dân cư tham gia, quản lý, khai thác và cùng hưởng lợi nhuận từ du lịch cộng đồng. Thành phố chủ trương đầu tư du lịch theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là yếu tố được nhấn mạnh trong Kế hoạch số 65/KH-UBND của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Với phương châm người dân là chủ thể, Nhà nước hỗ trợ, chương trình này được cụ thể hóa và lồng ghép qua các hoạt động truyền thông, chương trình văn hóa, văn nghệ và cụ thể hơn là đưa vào hương ước, quy ước của các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong hương ước của buôn Akŏ Dhông cũng đã khẳng định, cuộc sống ở các buôn làng Ê Đê đang đổi thay nhanh chóng, nhưng không làm mất đi những tập tục văn hóa truyền thống hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên. Người dân trong buôn giữ gìn và phát huy những phong tục văn hóa đặc sắc của quê hương và đề cao các chuẩn mực đạo đức, phong tục tốt đẹp đó của dân tộc…

Để bảo tồn không gian văn hóa đặc trưng của người Ê Đê kết hợp khai thác du lịch, chính quyền vận động bà con khôi phục, sửa chữa, cải tạo những nếp nhà dài truyền thống. 5 hộ đầu tiên trong buôn được vận động “thử sức” với du lịch cộng đồng, đầu tư phục dựng, chỉnh trang nhà dài, mở nhà hàng phục vụ ẩm thực địa phương và xây dựng chương trình văn nghệ cồng chiêng, múa xoang... đón khách. Nguồn lực từ các nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ buôn Akŏ Dhông xây dựng các hạng mục về cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường; di dời chuồng trại chăn nuôi; xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; lắp đặt biển chỉ dẫn… Người dân cũng được tập huấn các kỹ năng phục vụ du khách.

Chủ trương bảo tồn nhà dài đón nhận sự đồng tình và phù hợp với mong muốn của cộng đồng cư dân về giữ gìn văn hóa nhà dài truyền thống và xây dựng hình ảnh của buôn. Từ lúc mới thành lập, buôn chỉ có 7 nhà dài, mỗi nhà có 2-3 hộ sinh sống. Đến nay, sau nhiều biến đổi, buôn Akŏ Dhông có 35 căn nhà dài. Anh Y Nuel Niê, chủ không gian văn hóa, cà-phê và ẩm thực Tây Nguyên Già làng Ama H’rin cho biết: Bảo tồn không gian nhà dài để phục vụ phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn và là điểm nhấn thu hút du khách. Đây là mô hình cần được lan tỏa, chia sẻ với các buôn làng khác trong phát triển du lịch cộng đồng.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh ở các buôn làng Tây Nguyên, nhưng ở buôn Akŏ Dhông vẫn còn giữ được không gian riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù cư dân đan xen nhiều dân tộc đến từ các vùng miền khác nhau, nhịp sống hiện đại len lỏi, nhưng màu sắc văn hóa Ê Đê vẫn giữ vai trò chủ đạo qua trang phục, nhà cửa, ngành nghề truyền thống...

Là đơn vị trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện hương ước tại buôn Akŏ Dhông, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi Phạm Văn Thái cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia các mô hình du lịch thì phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cũng được đưa vào hương ước của buôn. Bà con trong buôn thực hiện rất tốt nội quy, quy định trong hương ước. Bên cạnh đó, phía chính quyền lập nhóm Zalo với sự tham gia của buôn trưởng, bí thư chi bộ, cảnh sát khu vực, cấp ủy chi bộ, cán bộ văn hóa… hỗ trợ người dân kịp thời khi có sự cố xảy ra.