Khắc ghi lời Bác dạy

70 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, lời căn dặn ân cần của Người vẫn còn vang vọng, mãi là ngọn đuốc soi đường, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi bước tiến của Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm.
0:00 / 0:00
0:00
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ngày 19/5/1955 Ảnh TL
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ngày 19/5/1955 Ảnh TL

Vinh dự lớn lao

Từ thuở khai sinh dưới ách đô hộ, đến những năm tháng đấu tranh cách mạng, thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và vượt qua bao thử thách trong cơ chế mới – chặng đường phát triển vẻ vang của Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm (tiền thân là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) trải qua 120 năm với nhiều thành tựu. Vinh dự lớn lao, chiều 19/5/1955, Bác Hồ về thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đúng Ngày sinh nhật của Người. Chuyến thăm diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” một năm, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Trong bối cảnh đó, Người đã chọn đến thăm một nhà máy công nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm và xây dựng các đoàn thể vững mạnh.

Sau khi thăm các đơn vị sản xuất trong nhà máy, Người nói chuyện với toàn thể cán bộ, công nhân. Mọi người từ các phân xưởng, dây chuyền sản xuất hồ hởi quây quần quanh Bác. Bác ân cần thăm hỏi, lắng nghe những tâm tư, đề xuất, trăn trở của anh chị em công nhân và căn dặn phải đoàn kết, nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, thi đua nâng cao năng suất, cải tiến kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Buổi trò chuyện thân mật, giản dị, tràn đầy cảm xúc.

Sau khi Bác về thăm, toàn thể cán bộ, công nhân như được tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn – biến tình cảm thiêng liêng đó thành hành động cụ thể, thiết thực. Ngay sau đó, Nhà máy đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù Nhà máy liên tục bị không quân Mỹ ném bom phá hoại ác liệt, nhưng với tinh thần “sản xuất là chiến đấu”, cán bộ công nhân viên vẫn kiên cường bám trụ, tổ chức sản xuất không gián đoạn. Tháng 4 năm 1962, tại Nhà máy, phong trào thi đua “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất nước nhà” đã ra đời và nhanh chóng lan tỏa ra cả nước. Ngày 22/12/1964 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã xuất xưởng đầu máy hơi nước TỰ LỰC Nguyễn Văn Trỗi - đầu máy xe lửa đầu tiên do các kỹ sư Tổng cục Đường sắt thiết kế và được nhà máy chủ trì chế tạo đạt được sức kéo tới 2.000 tấn, tốc độ tối đa có thể tới 70 km/h. Đây là sản phẩm kết tinh của tinh thần sáng tạo, tự lực cánh sinh, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”.

Sau ngày đất nước thống nhất, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, trong năm 1976, Nhà máy đã đại tu 6 toa xe đẹp nhất góp vào đoàn tàu Thống Nhất, đại tu đầu máy Phúc Lợi. Đầu năm 1988, Nhà máy bắt đầu đóng toa xe khách theo tiêu chuẩn quốc tế. Loạt đầu tiên 30 toa xe chở khách theo công nghệ của Ba Lan chuyển giao đã mở ra một chặng đường mới cho Nhà máy về cải tiến công nghệ. Từ năm 1993 trở đi, chấm dứt việc sửa chữa đầu máy hơi nước, Nhà máy bước sang chặng đường mới về sức kéo của ngành đường sắt, sức kéo diesel.

Ông Trần Mạnh Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty nhớ lại, những lúc khó khăn nhất trong chiến tranh, tinh thần xung phong ba sẵn sàng được phát huy mạnh mẽ. Các đoàn viên hăng hái tham gia các công trình đầu máy thanh niên, toa xe thanh niên, sẵn sàng đảm nhiệm việc khó. Đã nghỉ hưu hơn 10 năm, chị Đinh Thị Bích Ngọc, công nhân phân xưởng giá chuyển vẫn không thể quên những năm tháng làm việc ở nhà máy. Làm thợ cơ khí vất vả, cùng với những kiến thức học ở trường Trung cấp đường sắt, chị được các thợ lâu năm giàu kinh nghiệm tận tình kèm cặp, chỉ bảo, lại siêng năng nên nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Tự hào vì đóng góp một phần nhỏ bé, chị kỳ vọng Công ty ngày càng phát triển, có đội ngũ lao động tay nghề cao, ngày càng được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Khắc ghi lời Bác dạy ảnh 1
Công nhân Công ty CP Xe lửa Gia Lâm trong ca sản xuất.

Kế thừa, phát huy truyền thống

Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Tạ Thị Hoa bày tỏ vinh dự, tự hào khi được làm việc tại Công ty có bề dày lịch sử, từng được đón Bác Hồ về thăm. Những lời căn dặn của Người không chỉ làm kim chỉ nam cho sự phát triển của Công ty mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Tiếp nối truyền thống của cha anh, các đoàn viên thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết, chung tay góp sức cùng toàn thể cán bộ, công nhân để công ty ngày càng phát triển vững mạnh, khẳng định vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam. Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Nguyễn Xuân Hùng gắn bó với công ty gần 20 năm. Kỹ sư trẻ cầu thị học hỏi, siêng năng bám xưởng, hăng hái tham gia nhiều dự án đóng mới toa xe, lắp ráp đầu máy. Có thời điểm Công ty đối mặt muôn vàn khó khăn, ít việc, sản xuất kinh doanh đi xuống nhưng với lòng yêu nghề, anh vẫn tận tụy cống hiến. Tâm nguyện của anh cũng như các cán bộ, công nhân nhà máy là được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty quan tâm, có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện để từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ công nghiệp đường sắt hiện đại khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao bắc nam, đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, đào tạo nguồn nhân lực, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với người lao động để họ yên tâm phấn đấu, cống hiến. Học và làm theo Bác, anh Hùng không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, nỗ lực vượt khó, đổi mới tư duy, chuyên cần trong công việc và giữ liêm chính, đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu.

Trong thời kỳ đổi mới, với tinh thần tự lực, tự cường, Công ty đã tổ chức lại sản xuất, không ngừng đổi mới khoa học kỹ thuật và công nghệ, đầu tư hiện đại về dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải của ngành đường sắt. Nhà máy đã đóng các dòng toa xe H, G, M đến toa xe 2 tầng 108 chỗ hiện đại; đóng mới toa xe thế hệ 2 tàu Thống Nhất hành trình 30 giờ; chế tạo đoàn tàu kéo đẩy; đóng mới, lắp ráp 40 đầu máy Đổi mới, chế tạo thành công hệ thống giá chuyển hướng lò xo không khí…Năm 2003, Nhà máy chính thức chuyển sang mô hình doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty Xe lửa Gia Lâm.

Bước vào giai đoạn 2017–2023, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm chính thức vận hành theo mô hình công ty cổ phần. Ngay từ những năm đầu sau cổ phần hóa, Công ty đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Thị phần vận tải đường sắt suy giảm mạnh, các đơn hàng sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và thu nhập người lao động. Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, sản xuất đình trệ, vận tải hành khách lẫn hàng hóa bị thu hẹp tối đa đòi hỏi Công ty không chỉ nỗ lực duy trì sản xuất mà còn phải tìm cách bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo đảm an toàn và ổn định nội bộ. Khắc ghi lời Bác dạy, với truyền thống kiên cường, đoàn kết, không chịu lùi bước, Công ty vẫn vững vàng bám trụ, giữ vững đội ngũ kỹ thuật cốt cán, từng bước tái cơ cấu nguồn lực và phương án sản xuất - kinh doanh, không buông tay trước thử thách. Nỗ lực ấy không chỉ để vượt qua khó khăn tức thời, mà còn để giữ lửa nghề, giữ bản sắc của một đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt, làm nền tảng cho các bước đi mới trong tương lai.

Khắc ghi lời Bác dạy ảnh 2
Trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về thăm Nhà máy và 120 năm ngày thành lập Hỏa xa Gia Lâm (nay là Công ty CP Xe lửa Gia Lâm)

Ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử với các dự án chiến lược tầm quốc gia. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Công ty chủ động hội nhập, đổi mới sáng tạo, nỗ lực tự cường làm chủ công nghệ công nghiệp đường sắt hiện đại, bứt phá vươn lên. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Phạm Văn Hiệp cho biết trong thời gian tới, Công ty khơi dậy nội lực, từng bước khôi phục năng lực tài chính và đầu tư chiều sâu về công nghệ, tập trung tái cơ cấu sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, phát triển thị trường; nâng cao năng lực quản trị và xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân có trình độ cao, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất đầu máy, toa xe và các linh kiện, phụ kiện đồng bộ phục vụ cho các tuyến đường sắt mới và đường sắt hiện hữu. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng mô hình quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tổ chức sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và tối ưu chi phí, tăng cường hoạt động nghiên cứu, hợp tác với các viện nghiên cứu, các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước để từng bước làm chủ công nghệ lõi trong ngành công nghiệp đường sắt.