Ngày 13/5, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu mốc quan trọng khi thực hiện thành công ca ghép thận thứ 3, đưa kỹ thuật ghép thận đã trở thành thường quy tại bệnh viện.
Sự kiện này đã khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng - kỹ thuật mới, hiện đại, ngang tầm các bệnh viện tuyến trung ương. Trước đó, hai ca ghép đầu tiên vào tháng 4/2025 đã thành công, người bệnh ổn định và đã được xuất viện.
Người bệnh N.T.H, 27 tuổi, trú tại Đông Triều, mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Thay vì chuyển tuyến lên Hà Nội để triển khai ghép thận, gia đình người bệnh H đã đặt niềm tin thực hiện tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Sau gần 3 tuần hoàn tất đánh giá chuyên môn, xét nghiệm, hồ sơ pháp lý, cặp ghép được xác định. Người hiến là mẹ ruột của người bệnh H, đây là cặp ghép có cùng huyết thống.
Được biết, trước tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng của người con, mẹ của người bệnh N.T.H đã tự nguyện hiến thận của mình với mong muốn đem lại sức khoẻ cho con mình.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, được thực hiện bởi đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí dưới sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Quá trình ghép diễn ra thuận lợi, thận ghép bài tiết tốt, có nước tiểu ngay sau khi nối xong niệu quản. Hiện sức khỏe cả người hiến và người nhận đều ổn định.
![]() |
Ê-kíp bác sĩ tiến hành bóc tách rửa thận trước khi ghép. |
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Trung, Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cho biết, việc ghép thận từ người cho sống, cùng huyết thống thường có tương thích hòa hợp miễn dịch tốt, chức năng thận cũng tốt hơn. Tuy nhiên triển khai lấy thận-ghép thận trên người sống cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các ê-kíp, theo dõi chặt chẽ cả bệnh nhân cho thận cũng như ghép thận.
Thành công liên tiếp 3 ca ghép thận của bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí không chỉ là bước tiến chuyên môn, mà còn là minh chứng rõ nét cho năng lực làm chủ kỹ thuật cao của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí nói riêng và đội ngũ thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: "Ngay từ khi triển khai kỹ thuật chuyên sâu trong ghép tạng cho người bệnh, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có thể đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy để phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh và chúng tôi đã nỗ lực thực hiện và đã có được kết quả tốt".

Người bệnh ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí được xuất viện
Trước đây, ghép thận là kỹ thuật chuyên sâu chỉ có ở các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng nay, nhờ sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhân lực cùng sự chuyển giao công nghệ, đội ngũ thầy thuốc ngay tại Quảng Ninh đang dần bắt kịp những thành tựu y học hiện đại của cả nước.
Đến thời điểm hiện tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật lấy đa mô tạng từ người cho chết não, thực hiện ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não. Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống. Điều này khẳng định Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với thành công trong triển khai ghép thận của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, thời gian qua, các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh cũng đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, hiện đại trong khám, điều trị cho bệnh nhân.
![]() |
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho người bệnh. |
Việc triển khai nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu đã khẳng định trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, cũng như trang thiết bị y tế hiện đại của Quảng Ninh. Từ việc triển khai thành công ca ghép thận sẽ là tiền đề quan trọng để ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các kỹ thuật cao hơn, mở rộng phạm vi triển khai kỹ thuật ghép tạng khác như ghép tim, gan, phổi..., mang đến nhiều cơ hội điều trị cho các bệnh nhân; giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh và khu vực được thụ hưởng kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại tuyến tỉnh, giảm đáng kể thời gian, chi phí điều trị.
Việc thành công trong lĩnh vực ghép tạng đã khẳng định bước đi vững chắc của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí trên hành trình trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và của khu vực đông bắc làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong ghép tạng.