Khẳng định vai trò "đầu tàu" kinh tế cả nước

50 năm sau Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Kinh tế thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước hình thành các cực tăng trưởng mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)

Bài 1: Thành phố vững vàng đi trước, đón đầu

Với tinh thần "đi trước, đón đầu", Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế là biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, viết tiếp trang sử hào hùng bằng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ hòa bình. Hiện nay, thành phố là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, dẫn đầu cả nước.

Thành phố cũng dẫn đầu về thu hút FDI, lũy kế đến năm 2024 là gần 59 tỷ USD. Nhiều dự án đã và đang được địa phương triển khai như xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, Công viên khoa học thuộc Khu Công nghệ cao, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng giao thông, kể cả hạ tầng công nghệ số... là "sức bật" cho kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Đổi mới, sáng tạo

Bước vào giai đoạn đổi mới của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới, góp phần mang lại những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đầu thập niên 1980 đến nay, thành phố được xem là cái nôi hình thành nhiều nhân tố mới, đóng góp vào quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, sau 50 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua nhiều thăng trầm, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khẳng định vững chắc vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Có thời kỳ, thành phố đóng góp hơn 20% GDP, 30% thu ngân sách, 25% giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngay từ năm 1982, tại Nghị quyết 01-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định: "Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta, có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội". Từ định hướng đó, thành phố được tạo điều kiện thực hiện các chính sách thí điểm, đột phá, hình thành những bài học thực tiễn làm cơ sở hoàn thiện cơ chế chung của cả nước. Đơn cử, năm 1989, thành phố đã thừa nhận các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, tạo hành lang pháp lý khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Thành phố cũng tiên phong hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp, mở rộng kinh tế đối ngoại, tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Từ năm 1992, thành phố mạnh dạn thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trước bốn năm so với chủ trương chung toàn quốc. Thành phố cũng là nơi đầu tiên đề xuất và thành lập Trung tâm Chứng khoán vào năm 1998, thành lập ngân hàng thương mại cổ phần từ năm 1987 - tiền đề để Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngân hàng năm 1990.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sau 50 năm đất nước thống nhất đang trở thành một siêu đô thị, hiện đang là đầu tàu kinh tế có đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP và ngân sách của cả nước, là nơi mà cư dân nhiều tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư nhiều quốc gia đến sinh sống và lập nghiệp, và cho đến bây giờ họ đánh giá vẫn là nơi rất đáng sống.

Vượt qua "cơn gió nghịch"

Trong 50 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đặc biệt, sau năm 1986, với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố như được "cởi trói", tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao. Giai đoạn 1986-1990, tăng trưởng đạt 7,82%/năm (so với 4,4% của cả nước); giai đoạn 1991-2010, tăng bình quân 11-12%/năm; giai đoạn 2011-2015, GRDP tăng bình quân 7,22%/năm, cao hơn 1,2 lần so với cả nước.

Tuy nhiên, quy mô ngày càng lớn của thành phố đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn như thể chế, hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là giao thông. Giai đoạn 2016-2020, GRDP tăng trung bình 6,41%/năm. Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thành phố năm 2021 tăng trưởng âm - cú sốc lớn nhất trong gần 40 năm đổi mới.

Vượt lên thử thách, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2022 thành phố bắt đầu phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Năm 2023 tăng trưởng đạt hơn 5,8%, năm 2024 đạt gần 7,2%. Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 457 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Dù ở thời điểm nào, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần tiên phong, phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Với khát vọng vươn lên, thành phố tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước, xứng danh thành phố mang tên Bác.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hôm nay là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

(Còn nữa)