Khát vọng vươn lên của Tây Nam Bộ

Việc sáp nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng để hình thành một đơn vị hành chính mới mang tên thành phố Cần Thơ không đơn thuần là điều chỉnh địa giới, mà là một quyết sách chiến lược mang tính đột phá, vì lợi ích chung của toàn vùng Tây Nam Bộ.

Một góc thành phố Cần Thơ. ( Ảnh THANH NHÃ)
Một góc thành phố Cần Thơ. ( Ảnh THANH NHÃ)

Trong vai trò là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ hiện là đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không phát triển, đồng thời là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan vùng và là trung tâm đào tạo, y tế, thương mại, dịch vụ lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, giới hạn về quy mô diện tích và dân số, cũng như sự tách biệt hành chính giữa các địa phương lân cận đã khiến vai trò “thủ phủ miền Tây” của Cần Thơ chưa thật sự được phát huy đến tầm chiến lược.

Việc hình thành một siêu đô thị cấp vùng với diện tích hơn 6.000 km², dân số khoảng 4 triệu người là bước đi tái định vị vai trò của Cần Thơ theo hướng toàn diện, thực quyền, có khả năng dẫn dắt và lan tỏa phát triển cho toàn vùng Tây Nam Bộ. Không gian mới sau sáp nhập có sự liên kết tự nhiên chặt chẽ, không bị chia cắt bởi địa hình, đồng thời hội tụ đầy đủ các yếu tố về sông ngòi, cảng biển, sân bay và các trục giao thông huyết mạch.

Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) là một cửa ngõ chiến lược có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng của vùng nếu được phát triển đúng hướng, nhất là khi kết nối với sân bay quốc tế Cần Thơ. Việc tích hợp cảng-sân bay-trung tâm logistics trong một cấu trúc đô thị duy nhất sẽ tạo ra hành lang phát triển kinh tế hiện đại, tương tự các mô hình thành công ở một số quốc gia công nghiệp phát triển.

Trên nền tảng đó, thành phố Cần Thơ mới có thể trở thành không gian thực nghiệm cho mô hình chính quyền đô thị đa trung tâm, đa chức năng. Nếu trước đây, từng tỉnh hoạt động riêng rẽ, thiếu gắn kết trong quy hoạch và đầu tư, thì với mô hình mới, có thể tổ chức lại không gian phát triển trên cơ sở thế mạnh đặc thù từng khu vực: Cần Thơ hiện hữu là trung tâm hành chính, giáo dục, nghiên cứu khoa học; Hậu Giang đảm nhận vai trò vùng công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao; Sóc Trăng trở thành khu vực cửa biển, phát triển năng lượng tái tạo, logistics và du lịch sinh thái - văn hóa.

Mỗi địa phương trong cấu trúc mới sẽ đảm nhiệm một chức năng phát triển cụ thể, gắn với chiến lược tích hợp tổng thể, góp phần xây dựng một đô thị vùng hài hòa, hiệu quả và linh hoạt. Mô hình quản trị đa trung tâm đặt ra yêu cầu cấp thiết về thể chế: cần một bộ máy chính quyền tinh gọn nhưng đủ mạnh, có quyền hạn thực chất về tài chính, quy hoạch, đầu tư và thu hút nguồn lực xã hội. Đây là điều kiện để bảo đảm quản lý hiệu quả một không gian rộng lớn mà không rơi vào tình trạng “đa tầng, đa chủ”.

Trên nền thể chế đó, mô hình phát triển kinh tế vùng có thể được vận hành hiệu quả theo hướng hiện đại, vượt khỏi lối tư duy dựa dẫm vào điều kiện tự nhiên. Các chuỗi giá trị chủ lực như cá tra, lúa gạo, trái cây vốn đang phân tán sẽ được quy hoạch thống nhất, được thúc đẩy bởi chính sách vùng và quản trị tích hợp, không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính cũ.

Chính quyền mới cần định hướng xây dựng các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp trung tính các-bon và hệ thống năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời ngoài khơi). Với lợi thế ven biển, Sóc Trăng hoàn toàn có thể phát triển thành vùng năng lượng sạch quốc gia gắn với trung tâm logistics và công nghiệp chế biến sâu, đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng mới của đô thị vùng.

Điều quan trọng không kém là phát triển con người. Ba địa phương sáp nhập đều có cơ cấu dân cư đa dạng về dân tộc và tôn giáo, trong đó cộng đồng Khmer chiếm tỷ lệ lớn tại Sóc Trăng. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính không được làm lu mờ bản sắc văn hóa, mà phải là cơ hội để tôn vinh sự đa dạng và thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận chính sách. Các chương trình giáo dục, y tế, an sinh cần bảo đảm tính bao trùm và sát hợp với đặc điểm từng cộng đồng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy vùng, năng lực quản lý liên ngành, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đó chính là lực lượng nòng cốt để vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền trong mô hình đô thị vùng hiện đại, linh hoạt và hội nhập.

Mô hình thành phố Cần Thơ mới, có thể là hình mẫu đô thị vùng đầu tiên của cả nước, nơi Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đổi mới và người dân là trung tâm của mọi chính sách. Một ngày không xa, Cần Thơ mới hoàn toàn có thể trở thành cực tăng trưởng chiến lược của quốc gia, hiện thực hóa khát vọng vươn lên của cả vùng Tây Nam Bộ năng động, giàu tiềm năng và giàu bản lĩnh.

Có thể bạn quan tâm

back to top