Khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ vững mạnh

NDO - Nằm ở phía tây-nam tỉnh Quảng Ngãi, huyện Ba Tơ - nơi đồng bào Hrê và các dân tộc anh em sinh sống có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất. Dấu son lịch sử Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử ngày 11/3/1945 cùng Đội du kích Ba Tơ được thành lập ngay trước thềm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 mãi rực sáng tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Ba Tơ.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Hrê và các dân tộc anh em cùng khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ anh hùng ngày càng vững mạnh.
Đồng bào Hrê và các dân tộc anh em cùng khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ anh hùng ngày càng vững mạnh.

Khởi nghĩa Ba Tơ đã để lại nhiều bài học quý báu của đoàn kết dân tộc, sức mạnh nhân dân trong chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 80 năm kể sau Khởi nghĩa Ba Tơ, quê hương đội du kích anh hùng viết tiếp những trang sử mới.

Sắc xuân mới trên quê hương anh hùng

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 60km, huyện Ba Tơ có 19 xã, thị trấn cùng 17.600 hộ; trong đó người Hrê khoảng 84%. Vùng núi non có bề dày truyền thống cách mạng kiên cường trong chiến tranh tiếp tục hành trình đổi mới khi hòa bình. Từ tình yêu đất nước, yêu quê hương, đồng bào các dân tộc miền cao nguyên Ba Tơ toàn tâm, toàn sức xây dựng quê hương từ ngày đầu gian khổ.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện 113.800ha, chủ yếu là đồi núi, cây lâm nghiệp đã giúp đồng bào Hrê thoát nghèo. Khai hoang phục hóa, xây dựng phố thị miền cao nguyên, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước về vùng sâu, vùng xa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người dân Hrê cùng các dân tộc anh em.

Những năm đầu sau giải phóng, người dân triền núi, bên dòng sông Liên, sông Re sinh sống từ nông nghiệp với trồng trọt, chăn nuôi. Thung lũng, triền núi, ven sông bên dòng sông lớn hình thành những cánh đồng phẳng vùng núi cao trên quê hương Đội du kích Ba Tơ, là vùng núi đạt năng suất lúa cao nhất tỉnh Quảng Ngãi và bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Phẩm chất cứng cỏi, mạnh mẽ, cần cù, chịu khó trong lao động, đồng bào Hrê cùng các dân tộc anh em áp dụng nhiều tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ thói quen canh tác lạc hậu, sản lượng lương thực 12.000 tấn những năm 1990 đến nay hơn 34.500 tấn.

Từ nền kinh tế thuần nông đến nay huyện Ba Tơ tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ vượt bậc. Nếu như năm 1995, tổng giá trị sản phẩm chỉ đạt 42 tỷ đồng, đến nay đạt hơn 2.300 tỷ đồng; giá trị sản phẩm bình quân đầu người mỗi năm đạt hơn 50 triệu đồng. Huyện miền núi Ba Tơ nỗ lực đóng góp ngân sách nhà nước 43 tỷ đồng, tăng gần 39 tỷ đồng so những năm 1990.

Thiên nhiên hùng vĩ, thung lũng, thảo nguyên rộng lớn giúp huyện miền núi phía tây-nam tỉnh Quảng Ngãi phát triển đàn trâu, đàn bò lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Kinh nghiệm sống trên vùng cao nguyên cùng chịu khó bám đất, bám làng giúp bà con Hrê tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc, phát triển đàn chăn nuôi. Học hỏi, tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh đã giúp nông dân huyện Ba Tơ đưa ngành chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ trở thành huyện miền núi phát triển chăn nuôi với đàn trâu hơn 28.300 con, đàn bò hơn 5.400.

Bà con được huyện, xã hướng dẫn cách chăn nuôi mới, cấp giống tốt để mình tăng đàn trâu nhiều hơn. Nhà tôi mỗi năm bán được vài con đủ lo cho gia đình.

Chị Phạm Thị Sung (xã Ba Tiêu)

Khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ vững mạnh ảnh 2

Thu hút đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi giúp nhân dân Ba Tơ phát triển kinh tế.

Cùng với trồng lúa nước bảo đảm an ninh lương thực trong vùng, phát triển đàn chăn nuôi lớn, huyện Ba Tơ phát triển vùng nguyên liệu dăm gỗ xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ những biện pháp tích cực để khôi phục phát triển rừng nên diện tích rừng ngày càng xanh tốt. Bên sườn đồi hoang hóa rừng keo đã phủ xanh bạt ngàn, 96.000ha, diện tích trồng rừng tập trung đạt 7.980ha. Sản lượng gỗ khai thác đạt 981.000m3 là vùng nguyên liệu lớn của tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và vùng lân cận.

Hơn 20 năm qua, rừng nguyên liệu đã giúp người dân vùng núi Ba Tơ thu nhập ổn định, làm nền tảng kinh tế gia đình đưa đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền cao thoát nghèo.

Anh Phạm Văn Hải ở xã Ba Ngạc chia sẻ “Rừng keo nhà tôi hơn 3ha trồng mấy năm cũng có tiền để dành mua sắm trong nhà, cho con đi học. Trước đây thì trồng keo có tiền nhiều hơn bây giờ nên thoát nghèo được. Bây giờ thì khó khăn hơn do giá không cao như trước”.

“Vùng nguyên liệu cho xuất khẩu dăm gỗ ở huyện Ba Tơ nói riêng và miền núi Quảng Ngãi nói chung khá lớn nên chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến dăm tại chỗ để phục vụ xuất khẩu. Sản lượng keo hằng năm lớn nên vẫn bảo đảm xuất khẩu”, đại diện doanh nghiệp gỗ dăm ở huyện Ba Tơ khẳng định.

Vùng núi Cao Muôn trải qua những ngày kháng chiến gian khổ, lực lượng khởi nghĩa cùng đồng bào tận sức cùng đất nước đi qua chiến tranh, hòa bình thống nhất. Để lại thời gian khổ bom đạn cày xới, chính quyền và nhân dân miền đất của cuộc khởi nghĩa tiếp nối hành trình xây dựng quê hương sau những ngày kháng chiến. Kết cấu hạ tầng thiết yếu cho nhân dân miền cao nguyên ở bản làng vùng sâu, xa xôi hiện hữu đường giao thông lớn.

Tuyến Quốc lộ 24 và 24B nối liền huyện Ba Tơ các huyện đồng bằng, với vùng Tây Nguyên; đường tỉnh ĐT.624 gắn kết Ba Tơ và đồng bằng, phố thị tỉnh Quảng Ngãi gần nhau hơn. Những công trình cầu vượt lũ suối Nước Lếch, đường Ba Tơ-Nước Đang, Đường Ba Lế-Ba Bích-Ba Nam giúp bà con Hrê đưa nông sản về xuôi, an toàn khi mỗi mùa mưa lũ về.

Khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ vững mạnh ảnh 4

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hồ đập thủy lợi để sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, thiết chế văn hóa, gần 20 trạm y tế cơ sở, 49 trường học các cấp cho con em đồng bào miền núi… đưa cả vùng miền cao phố thị ngày một sáng rực. Gạo rẫy, thịt heo thảo dược, rượu cần Hre, thổ cẩm… đưa nông sản đặc trưng cao nguyên Ba Tơ hòa cùng nhịp phát triển với vùng cao tỉnh Quảng Ngãi và nối liền cùng vùng Tây Nguyên bên dãy Trường Sơn.

Hành trình mới trên đỉnh núi Cao Muôn

Phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư mới từ tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, huyện Ba Tơ hình thành hai cụm công nghiệp Ba Động và thị trấn Ba Tơ; quy hoạch hai cụm công nghiệp Ba Vì và Ba Dinh. Đồng thời, thu hút đầu tư các lĩnh vực thế mạnh gồm thủy điện, chế biến gỗ, cánh đồng ngô sinh khối. Đến nay, các nhà máy thủy điện ĐăkRe, Núi Ngang, ĐăKre 2, Nước Long đã vận hành, đóng góp ngân sách cho địa phương tái đầu tư phục vụ dân sinh.

Công nghiệp chế biến dăm gỗ và thủy điện tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả và tạo nguồn thu ngân sách trong nhiều năm qua. Sau nhiều năm nỗ lực đi đầu, quê hương Đội du kích Ba Tơ đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16%.

“Huyện Ba Tơ thoát nghèo là thành tựu lớn đối với vùng miền núi bởi khó khăn hơn so với vùng đồng bằng. Vẫn còn cần bổ sung, xây dựng quê hương tốt hơn, đời sống bà con khá hơn, ổn định hơn nữa”, cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê chia sẻ.

Khát vọng xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ vững mạnh ảnh 5

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê vui mừng khi quê hương Ba Tơ đổi mới từng ngày.

Hạ tầng, chăn nuôi tập trung đàn trâu, bò lớn, vùng nguyên liệu từ cây lâm nghiệp giúp huyện miền núi Ba Tơ thoát nghèo, đời sống nhân dân khấm khá hơn xưa. Và trong hành trình mới sau 80 năm Khởi nghĩa Ba Tơ, quê hương đội du kích anh hùng tiếp nối truyền thống cha anh đi trước. Trong đó, định hình hành trình mới, hướng đi mới, mở ra không gian phát triển mới phù hợp thời đại.

Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 31/12/2021 của Huyện ủy Ba Tơ tập trung phát triển đô thị phố núi. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Ba Tơ, đô thị Ba Vì gắn kết, giao thoa kinh tế giữa tỉnh Quảng Ngãi và vùng Tây Nguyên. Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch quản lý đất đai, phát triển đô thị, nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội cho người dân Hrê và các dân tộc anh em sinh sống miền cao Ba Tơ và vùng lân cận.

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ bày tỏ “Chính quyền cơ sở và nhân dân kế thừa thành quả của nhiều thế hệ đi trước để tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Dù còn những lực cản nhất định trên hành trình phát triển mới nhưng chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đoàn kết, vượt khó khăn, lo trước, nghĩ sau để cùng nhau hợp sức xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ phát triển vững mạnh”.

Truyền thống đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước đổi mới. Giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng tạo nên sức mạnh đưa huyện miền núi Ba Tơ đạt được nhiều thành tựu trong thời đại mới và tiếp tục kế thừa cho mai sau.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Thanh An

Mạch suối nguồn trên đỉnh núi Cao Muôn không ngừng chảy sau 80 năm từ thời khắc hào hùng của đồng bào các dân tộc anh em Đội du kích Ba Tơ huyền thoại. Dấu son lịch sử in đậm cuộc khởi nghĩa anh hùng để nhắc nhớ các thế hệ mai sau về tinh thần bất khuất của dân tộc, đất nước. Tinh thần ấy được gìn giữ mạch nguồn lịch sử cùng nhau xây dựng quê hương Đội du kích Ba Tơ vững mạnh.