Khi đèn tín hiệu trở thành nỗi lo của người đi đường

NDO - Tại nhiều nút giao quan trọng ở thành phố Thanh Hóa, hệ thống đèn tín hiệu đang trở thành một ẩn số khó lường. Công nghệ lạc hậu, vận hành bất ổn khiến người điều khiển phương tiện không ít lần rơi vào thế bị động, đối mặt với rủi ro lớn chỉ vì một cụm đèn chuyển màu sai nhịp.
0:00 / 0:00
0:00
Camera hành trình ghi lại sự cố lỗi đèn tín hiệu.
Camera hành trình ghi lại sự cố lỗi đèn tín hiệu.

Ngày 21/5, tại ngã tư đường Bà Triệu giao cắt với hai nhánh Tô Vĩnh Diện và Nguyễn Trường Tộ (thành phố Thanh Hóa), đèn tín hiệu vẫn hoạt động nhưng bộ phận đếm giây không chạy. Camera hành trình trên một ô-tô ghi lại cảnh xe đang di chuyển thì đèn chớp vàng rồi bất ngờ nhảy sang đỏ, buộc tài xế phải phanh gấp để tránh mắc lỗi.

Nút giao này chỉ cách ngã tư Trần Phú-Nguyễn Trãi khoảng 1,2km – nơi Báo Nhân Dân từng phản ánh hôm 5/4 về tình trạng đèn chuyển đỏ dù đèn xanh vẫn còn hơn 10 giây. Chỉ trong hơn một tháng, liên tiếp các sự cố đèn tín hiệu trên trục Trần Phú-Bà Triệu đã khiến người đi đường không khỏi bất an.

Trả lời Báo Nhân Dân, Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa thừa nhận: “Thời gian gần đây, hiện tượng đèn tín hiệu giao thông hoạt động không ổn định tại một số vị trí trên địa bàn thành phố là có thật. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chứng kiến và chỉ đạo khắc phục ngay nhiều trường hợp”.

Theo ông Hùng, đèn tín hiệu là thiết bị điện tử ngoài trời nên chịu tác động của thời tiết là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có sự cố, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn phối hợp các đơn vị liên quan khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể.

Khi đèn tín hiệu trở thành nỗi lo của người đi đường ảnh 1

Nút giao vừa xảy ra sự cố đèn tín hiệu giao thông.

Từ tháng 3/2025, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất việc tiếp nhận hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, theo lộ trình phân cấp mới của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, hệ thống này vốn do nhiều đơn vị đầu tư lắp đặt, không đồng bộ về chủng loại hay công nghệ. Nhiều cụm vẫn phải điều chỉnh chu kỳ bằng thao tác thủ công, chưa thể điều khiển từ xa hoặc kết nối liên động. Trong khi đó, nhân lực làm công tác vận hành, tuần tra, xử lý sự cố còn mỏng so với diện tích đô thị rộng và lưu lượng phương tiện tăng nhanh.

Phòng Cảnh sát giao thông đã đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh để khắc phục tình trạng manh mún trong điều phối đèn như hiện nay.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có 122 cụm đèn tín hiệu, trong đó thành phố Thanh Hóa chiếm 51 cụm. Không ít cụm đèn đã lạc hậu cả về phần cứng lẫn phần mềm. Người dân, thay vì được đèn hỗ trợ điều hướng giao thông an toàn, trong một số tình huống lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Chị Lê Thanh Mai, một tài xế công nghệ, cho biết: “Cứ đi nhiều như tụi tôi rồi thế nào cũng hiểu cảm giác “muốn rơi tim ra ngoài”. Đèn lỗi, phanh cháy cả đường, bị xe sau tông vào như chơi, rồi không lẽ bắt đền cái đèn?”

Tại các đô thị đông đúc, mọi tình huống phanh gấp đều rất nguy hiểm. Dù không có camera phạt nguội, phản xạ tự nhiên khi thấy đèn xanh bất ngờ chuyển đỏ vẫn là đạp phanh để tránh lỗi, rủi ro bị đâm từ phía sau rất lớn. Khi ấy, hậu quả về người và tài sản có thể nặng nề, song trách nhiệm về lỗi đèn tín hiệu dường như không thuộc về ai.

Khi đèn tín hiệu trở thành nỗi lo của người đi đường ảnh 2

Các xe ở làn bên trái còn bị cột điện che khuất phần đèn xanh, vàng, đỏ.

Trong khi hệ thống tín hiệu giao thông vẫn bộc lộ nhiều bất ổn, thì Nghị định 168 lại siết chặt đáng kể các mức xử phạt vi phạm. Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Hành vi dừng xe đè lên vạch dừng tại ngã tư, kể cả khi chưa vượt qua đèn đỏ, vẫn bị xem là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, và có thể bị xử phạt như lỗi vượt đèn đỏ, với mức phạt lên tới gần 20 triệu đồng đối với ô-tô.

Theo thượng tá Nguyễn Việt Hùng, quá trình xử lý vi phạm qua camera luôn được tiến hành cẩn trọng, với mục tiêu tuyệt đối không để xảy ra oan sai cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, ngay cả khi không bị xử phạt, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động thiếu ổn định đang khiến người dân đối mặt với rủi ro ngoài ý muốn.

Anh Lê Trần Tuấn, người dân phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, bày tỏ: “Tôi không phản đối việc xử phạt nghiêm nhưng phải dựa trên nền tảng hạ tầng đồng bộ và chính xác. Chứ hiện tại đèn thì chập chờn, biển báo thì loạn, mà người lái cứ gánh hết thiệt thòi thì thật không công bằng”.

Đèn tín hiệu giao thông là thứ tưởng như đơn giản: đỏ thì dừng, xanh thì đi. Nhưng chỉ một trục trặc nhỏ cũng đủ khiến nguyên tắc ấy trở nên mong manh. Người lái xe không thể chỉ dựa vào phản xạ. Họ cần một hệ thống báo hiệu vận hành ổn định và đáng tin cậy. Bởi trên những con phố tưởng đã rất quen thuộc – với chị Mai, anh Tuấn trong bài viết này, hay với bạn và với tôi – đôi khi chỉ một nhịp đèn sai cũng có thể làm hành trình dự định lệch khỏi quỹ đạo an toàn, khiến con đường về nhà chợt nguy hiểm hơn nhiều so với thường lệ.