Anh nông dân là Trần Vũ, cử nhân. Tốt nghiệp đại học, anh quay về quê mở đất làm nông nghiệp sạch. Theo lời kêu gọi của địa phương, Vũ nghiên cứu trồng hoa Tết gồm những loại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Trần Vũ là một trong số gần 10 hộ dân tạo nên thương hiệu hoa A Lưới, thành phố Huế.
Ba năm trước, trung tâm thuộc một sở tại địa phương đã chọn anh làm cộng tác viên cho một dự án chuyển giao với mức thù lao 1,9 triệu đồng/ tháng. Công việc của anh kéo dài ba năm (2021-2024), mỗi năm làm 5 tháng, từ tháng bảy âm lịch đến Tết Nguyên đán, theo vụ hoa Tết. Anh có nhiệm vụ đến các hộ dân thực hiện dự án ở trong vùng, ghi chép quá trình sinh trưởng, lập báo cáo, gửi về trung tâm. Bên cạnh đó, anh còn được giao hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng hoa, liên hệ với địa phương để làm các thủ tục hành chính...
Dự án kết thúc, ngày 25/2/2025 anh nhận được tiền thù lao sau ba năm làm việc.
Nhận tiền, chưa kịp vui thì anh đã phải băn khoăn vì một số cán bộ của trung tâm gọi điện, nhắn tin đề nghị anh chuyển lại một phần để thay cho lời “cảm ơn”. Trong cuộc nói chuyện, người nông dân hỏi lại, gửi quà thay cho tiền mặt được không, thì nhận được câu trả lời bằng một số tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Dù bực, nhưng người nông dân đã chọn cách im lặng để chuyện qua đi. Nhưng gần đây, lãnh đạo trung tâm lại nhắn tin hỏi: Em chưa chuyển tiền hỗ trợ trung tâm à, thì anh nông dân không thể im lặng được nữa.
Khi được hỏi, ông Hoàng Nhật Linh, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố Huế, xác nhận đã gọi điện thoại và giao cho nhân viên của trung tâm liên hệ để lấy tiền từ anh nông dân. Cán bộ lãnh đạo này giải thích: “Làm ba năm nhưng anh em trung tâm không có gì, cho nên đã gọi điện nói anh ấy... chia sẻ, nhưng không yêu cầu số tiền cụ thể”. Trả lời thắc mắc: Một bên đi làm, được Nhà nước trả lương, một bên bỏ sức lao động ra để nhận thù lao thì sao lại thấy không công bằng, đòi được chia sẻ, thì người này im lặng, hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Dự án triển khai ở vùng sâu, vùng xa, người nông dân được chọn để giúp các cán bộ theo dõi, trong vai trò là cánh tay nối dài tại địa phương. Không có người này, thì những công việc nêu trên các cán bộ phải trực tiếp làm. “Cảm ơn”, không phải là thứ để đòi. Và trong trường hợp này, việc đòi “cảm ơn” như nêu trên là điều khó có thể chấp nhận.
Thành phố Huế có rất nhiều tấm gương cán bộ vì dân. Cả trong suốt bao nhiêu năm qua và hiện tại, rất nhiều cán bộ, đảng viên đã hết lòng, hết sức trong công việc, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, xã hội. Nhiều cán bộ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, xa gia đình, người thân... để được tận hiến.
Đất nước, xã hội, người dân luôn đánh giá cao và ghi nhận những cống hiến của những cán bộ như thế. Như ông Phan Thế Phương (1934-1991), Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên Huế (cũ), người đã mang nghề nuôi tôm sú đến với nông dân ở đây. Để con tôm sống được dọc phá Tam Giang, ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Ông giúp người dân chuyển đổi lối làm ăn, xóa nghèo cho cả chục vạn dân bằng nghề nuôi tôm.
Đến khi nghe tin ông mất trong vụ tai nạn trên đường đi công tác ở Phan Thiết, bà con ở Tam Giang đã khóc như mất người thân. Họ lặn lội vào Phan Thiết đón ông về quê ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, thành phố Huế. Người dân đã đề nghị chính quyền địa phương lấy tên ông để đặt cho một ngôi trường. Ông còn được người dân vạn đò vùng phá Tam Giang lập miếu để thờ.
Làm cán bộ, hoặc để được tôn trọng, hoặc để bị tai tiếng, đánh mất niềm tin, chủ yếu sẽ do chính bản thân tự quyết định!