Không thể bảo tồn nếu thiếu sự đồng nhất trong áp dụng pháp luật

NDO - Cần thống nhất việc áp dụng luật bảo vệ chim hoang dã như chào mào. Mỗi nơi làm một kiểu dễ gây hiểu sai, ảnh hưởng niềm tin và công tác bảo tồn thiên nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm lâm thành phố Huế tăng cường tuyên truyền, kiểm tra bảo vệ chim trời.
Kiểm lâm thành phố Huế tăng cường tuyên truyền, kiểm tra bảo vệ chim trời.

Chim chào mào - loài chim rừng quen thuộc với tiếng hót và dáng vẻ nhanh nhẹn - từ lâu đã trở thành hình ảnh gần gũi trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người Việt, đặc biệt trong thú chơi chim cảnh.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng chính sự phổ biến ấy lại đưa chào mào vào vòng xoáy săn bắt, nuôi nhốt tràn lan, kéo theo nhiều hệ lụy về pháp lý và môi sinh. Nghiêm trọng hơn, việc áp dụng pháp luật không đồng nhất giữa các địa phương đang tạo ra những khoảng trống đáng lo ngại trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES, chim chào mào là loài động vật rừng thông thường. Tuy không thuộc danh mục loài nguy cấp, nhưng việc nuôi, vận chuyển, kinh doanh loài chim này vẫn phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Người nuôi chim cần đăng ký với cơ quan kiểm lâm nếu nuôi với số lượng lớn hoặc vì mục đích thương mại.

Tại thành phố Huế, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã chủ động siết chặt quản lý. Các quán cà-phê chim cảnh, cửa hàng sinh vật cảnh được yêu cầu cam kết không trưng bày, kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Người đưa chim đến nơi công cộng phải cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng thú chơi chim để hợp thức hóa các hành vi khai thác, buôn bán động vật rừng trái phép.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng hành động quyết liệt như vậy. Ngay trong cùng một địa phương, khi thành phố Huế siết chặt, thì ở huyện Quảng Điền, hội thi chim chào mào vẫn được tổ chức công khai – dù Sở Văn hóa và Thể thao địa phương trước đó đã không ủng hộ.

Một số địa phương khác trên cả nước vẫn tổ chức các hội thi chim thường xuyên, với sự tham gia đông đảo của người chơi đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Không thể bảo tồn nếu thiếu sự đồng nhất trong áp dụng pháp luật ảnh 1

Kiểm lâm thành phố Huế từng phát hiện, thả về thiên nhiên hơn 1.000 con chim chào mào được cất giấu tại bến xe phía bắc.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vẫn xuất hiện các bài viết cổ vũ hội thi chim cảnh, hay ca ngợi việc thuần hóa chim trời như một thú chơi thanh nhã.

Trên báo chí, có lãnh đạo ngành kiểm lâm ở một địa phương khác còn phát biểu: chào mào không có tên trong danh mục cấm (!). Sự “lệch pha” trong cách hiểu và áp dụng luật như vậy không chỉ gây nhiễu thông tin, mà còn trực tiếp cản trở nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.

Tác động xã hội của sự thiếu thống nhất này không nhỏ. Tại thành phố Huế, lực lượng kiểm lâm – dù làm đúng quy định – lại trở thành tâm điểm bị công kích. Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng kiểm lâm “làm quá”, “hành dân”, thậm chí “không có việc gì làm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, chia sẻ: “Chúng tôi không làm quá. Luật đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ động vật rừng. Vấn đề là cần sự đồng thuận trong toàn ngành, để không nơi nào trở thành ‘vùng trũng’ cho vi phạm”.

Thực trạng trên đòi hỏi phải có một “đầu tàu” kêu gọi các địa phương thống nhất trong hành động. Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về quản lý chim rừng thông thường, tổ chức tập huấn cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nhằm thống nhất cách hiểu và thực thi luật.

Song song đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân hiểu rằng, việc nuôi chim cảnh – dù không bị cấm – vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật. Các hội thi chim phải được kiểm soát chặt chẽ, chỉ tổ chức khi chim dự thi có nguồn gốc hợp pháp, được nuôi sinh sản hoặc nhập khẩu chính ngạch.

Quan trọng hơn cả là cần thay đổi tư duy: từ việc “bắt chim về nuôi cho vui” sang “giữ chim trong tự nhiên để nghe hót mỗi sáng”. Đó mới là cách bảo tồn bền vững, giàu tính nhân văn và phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.

Chim chào mào – tuy không quý hiếm – nhưng vì quá quen thuộc nên càng dễ bị lãng quên trong công tác bảo vệ. Khi mỗi nơi hiểu và thực thi luật khác nhau, pháp luật trở nên yếu thế, còn niềm tin vào chính quyền dễ bị xói mòn.

Đã đến lúc, từ người nuôi chim đến người làm luật và cơ quan quản lý, tất cả cần cùng nhau thượng tôn pháp luật, thống nhất trong hành động và đồng lòng bảo vệ thiên nhiên. Không chỉ cho hôm nay, mà còn cho các thế hệ mai sau.