Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy, tích hợp vào số căn cước công dân

NDO - Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Một bước cụ thể hóa Nghị quyết 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ phận một cửa tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ phận một cửa tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nội dung văn bản kiến nghị gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố nêu rõ: Hàng triệu giấy chứng nhận sở hữu đất đai đang cấp bằng giấy nên được định hướng chuyển đổi số bằng định danh thửa đất, tờ bản đồ tích hợp vào số căn cước công dân chủ sở hữu trên cả nước để quản lý, xác lập chủ sở hữu và cấp giấy chứng nhận trên không gian số.

Điều này còn làm mục tiêu dữ liệu nền cho công tác quản lý nhà nước khác như quản lý quy hoạch, xây dựng và thu thuế bất động sản khi chuyển dịch hoặc thậm chí tránh làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phù hợp quy định trong hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại Điều 163 đến Điều 170, Luật Đất đai 2024.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường phân tích, khi tích hợp sổ điện tử theo số hóa giấy chứng nhận theo mẫu. Người dân khi muốn in ra bao nhiêu bản cũng được thông qua dịch vụ trung tâm hành chính công tại cấp phường, xã.

Bên cạnh đó, việc thế chấp tài sản và giao dịch đều thông qua Văn phòng chứng thực hoặc Trung tâm hành chính công cấp phường, xã xác nhận. Đăng ký thế chấp và xóa thế chấp cũng được số hóa trên sổ điện tử có xác nhận của cơ quan chức năng như Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ thuận tiện hơn.

Theo Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố, để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo Nghị quyết 66, ngày 30/4/2024 của Bộ Chính trị, việc điều chỉnh một số điều khoản trong Nghị định 103, ngày 30/4/2024 của Chính phủ về quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là rất cần thiết.

Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy, tích hợp vào số căn cước công dân ảnh 2

Người dân đến làm thủ tục đất đai tại Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, trong quá trình xây dựng Nghị định 103, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cung cấp dữ liệu để xây dựng với mục tiêu không làm tăng đột biến số tiền sử dụng đất tại các địa phương. Tuy nhiên, cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại Điều 8, Nghị định 103 tăng gấp hàng chục lần so với trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Điều này khiến người dân bất an, gây ra hệ lụy trong phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.

Lý giải rõ hơn, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, cho rằng, do công thức tính trong Nghị định 103, yếu tố quan trọng như tỷ lệ phần trăm trong hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) không được áp dụng đúng, dẫn đến sự bất nhất giữa các điều khoản. Điều này khiến các địa phương gặp khó trong thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.

Do đó đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét rà soát lại những hệ lụy đang tồn tại do ảnh hưởng của Nghị định 103 như không thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong những tháng cuối năm 2024 và quý I/2025. Điều còn ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân và thị trường bất động sản.

.