Kinh nghiệm công tác giải phóng mặt bằng ở Phủ Lý

Là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh Hà Nam, những năm qua, thành phố Phủ Lý đã thực hiện hơn 100 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ công tác thu hút đầu tư các dự án của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2024, thành phố đã phê duyệt 41 phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả 353,3 tỷ đồng cho 2.386 hộ thuộc 35 dự án. Thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sáu dự án lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng hạ tầng Khu đại học Nam Cao tại thành phố Phủ Lý.
Xây dựng hạ tầng Khu đại học Nam Cao tại thành phố Phủ Lý.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 23 đã xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, ưu tiên giao thông kết nối các phân khu chức năng và hạ tầng thương mại dịch vụ chất lượng cao là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng, góp phần hoàn thành các dự án trọng điểm, hướng tới mục tiêu lớn là đưa thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; với tinh thần trách nhiệm cao và sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và đồng hành của doanh nghiệp, công tác giải phóng tại Phủ Lý đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đối với các dự án giải phóng mặt bằng được thành phố chỉ đạo triển khai hiệu quả là các dự án hạ tầng khung, các dự án giao thông kết nối, mở rộng không gian đô thị, các dự án khu đô thị, khu nhà ở, trung tâm thương mại như: Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt bắc-nam; dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối; dự án đầu tư xây dựng đơn nguyên II cầu Liêm Chính; dự án Khu đô thị thời đại đổi mới và sáng tạo; Khu đô thị Đại học Nam Cao, Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang, hai đô thị phía đông đường cao tốc là Khu đô thị Đông Phú Thứ và Khu đô thị Tiên Hải)...

Hằng năm, thành phố triển khai thực hiện hơn 100 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, thành phố đã phê duyệt 41 phương án bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chỉ trả 353,3 tỷ đồng cho 2.386 hộ thuộc 35 dự án. Thành phố đã thực hiện hoàn thành và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sáu dự án lớn, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai thi công các công trình, dự án theo kế hoạch mà không phải cưỡng chế.

Đồng chí Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý nêu rõ các giải pháp: Trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, đồng thời phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Thành ủy Phủ Lý đã đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Đồng thời, thành phố phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi địa bàn, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập tổ các công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, trong đó tổ trưởng là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách địa bàn có dự án. Các cấp ủy đảng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai, tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng.

Tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt. Thành phố ưu tiên nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đất tái định cư, xác định công tác bố trí tái định cư phải đi trước một bước để người dân có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống.

Cùng với đó là chỉ đạo quản lý chặt chẽ quỹ đất tái định cư, bảo đảm chỗ ở mới của người dân có điều kiện tương đương hoặc tốt hơn chỗ ở cũ; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng.

Một giải pháp được thành phố Phủ Lý triển khai là mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh trật tự và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án” với mục tiêu vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan công tác giải phóng mặt bằng được chú trọng.